Tục cưới hỏi của người Mông trắng: những điều chưa kể
Cách đây hơn 25 năm, đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc có một cuộc chuyển cư ngoài kế hoạch đến tỉnh Đăk Lăk, trong đó, huyện Krông hiện có khoảng trên 23.000 người, gồm 4 nhóm Mông trắng, Mông đen, Mông xanh và Mông Hoa, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm…Mặc dù, xa quê hương ¼ thế kỷ, nhưng cộng đồng người Mông vẫn còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc, thể hiện rõ nét ở các phong tục tập quán trong đó có nghi lễ cưới hỏi.
Tuy có 4 nhóm người Mông, nhưng các nghi lễ cưới hỏi lại có nhiều điểm tương đồng, ngày nay những nghi lễ trong đám cưới của người Mông được thực hiện một cách đơn giản, nếu trước kia phải đủ 3 lễ gồm: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ đón dâu, thì ngày nay hầu hết các gia đình đã gộp lễ dạm ngõ và lễ ăn hỏi thành một, đây là nghi lễ quan trọng quyết định sự thành công cho việc kết hôn giữa 2 người con trai, con gái. Phần lớn, các gia đình cũng không còn dừng lại ở giữa đường cúng thần linh, khi đón dâu (đi và về), các hủ tục “bắt vợ”, “cướp dâu” dần được loại bỏ…
Khi người con trai và người con gái đến tuổi cập kê, họ được tự do tìm hiểu một nửa của nhau, nếu cả hai đã ưng cái bụng, thì người con trai về báo lại với cha mẹ, để các bậc trưởng bối họp nội bộ gia đình, cử người đại diện tiến hành các nghi lễ cho hôn sự của mình.
Sau khi thống nhất, gia đình nhà trai sẽ lựa chọn 2 người có vai vế trong họ tộc, am hiểu các phong tục tập quán, ăn nói hoạt bát, có khả năng ứng xử trong mọi tình huống, trường hợp gia đình không có người đáp ứng điều kiện trên, thì gia đình phải nhờ người khác ở trong thôn làm (Meej Koob) trưởng đoàn và phó đoàn thay mặt cha mẹ sang nhà gái dạm ngõ theo thời gian đã định.
Khi đi dạm ngõ, nhà trai có 2 ông đại diện, chú rể và những người mang lễ vật, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà lế vật có từ 2 đến 4 con gà , 5 lít rượu cùng một số hiện kim. Khi đến sân nhà gái, đoàn nhà trai dừng lại quan sát, nếu nhà gái đồng ý tiếp đón thì họ sẽ mở cửa sẵn, trường hợp họ chưa đồng ý thì sẽ có chiếc bàn chắn ngang trước cửa, lúc này, vị đại diện phải “trổ tài” ứng xử để nhà gái chấp thuận mở cửa tiếp đón.
Nếu công việc diễn tiến tốt đẹp, sau khi xong thủ tục mời chào, hai bên cùng ngồi xuống bàn bạc, người đại điện hoặc cha mẹ nhà gái sẽ đưa ra yêu cầu lễ vật cưới hỏi, tùy theo hoàn cảnh gia đình mà lễ vật tương xứng với điều kiện của nhà trai. Thường thì 30 kg thịt lợn, 30 lít rượu và 30 tiền (tương ứng 3 triệu) cho đến 100 kg thịt, 100 lít rượu 100 tiền (10 triệu đồng). Ngày nay, nhà gái không đòi hỏi nhà trai phải mang rượu, thịt mà tất cả được quy thành tiền dao động từ 20 triệu đến 40 triệu đồng trở lên. Sau khi đạt được thỏa thuận, vị đại diện về thông báo cho cha mẹ con trai biết chuẩn bị đủ số lễ vật gửi sang nhà gái và định ngày đón dâu. Nếu gặp trường hợp thách cưới thì hai bên “đàm phán” cho đến khi nhà trai chấp nhận được, việc nhà gái yêu cầu lễ vật nhiều hay ít cũng còn phụ thuộc vào các yếu tố khác.
Ông Lý Văn Tu, năm nay 70 tuổi, ở thôn Noh Prông có trên 30 năm làm đại diện chia sẻ: Người Mông chúng tôi theo chế độ phụ hệ, nhưng phụ nữ cũng rất được đề cao, thường những người con gái có nhan sắc và giỏi giang thì nhà gái sẽ yêu cầu lễ vật cao hơn, nhưng nếu con gái của họ đã lỡ thất tiết, không còn trinh trắng thì trong buổi lễ dạm ngõ chỉ có cha mẹ nhà gái chứ không mời người đại diện, lúc này lễ vật nhà gái sẽ để cho nhà trai quyết định. Vì thế, để giữ gìn phẩm giá cho con gái, những gia đình người Mông có con gái đến tuổi dậy thì, được cha mẹ giáo dục kỹ về giới tính.
Người Mông quan niệm để cho hai vợ chồng có tổ, có đôi, lễ đón dâu được chọn vào ngày chẵn và số người đi đón dâu theo nguyên tắc đi lẻ, về chẵn, nhà trai phải mượn người phù rể, phù dâu đi cùng đoàn sang nhà gái. Mọi nghi lễ diễn ra ở nhà gái xong, chú rể, phù rể phải quỳ lạy tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú, bác, anh em trai của cô dâu (lạy 3 lạy đối với người nam và lạy 2 lạy đối với người nữ). Khi dâu về đến nhà trai, cha mẹ chú rể sẽ dùng con gà quay 3 vòng để đón nhận thành viên mới cũng như xua đuổi tà ma để đôi vợ chồng được sống với nhau trọn đời làm ăn phát triển, trong 3 ngày đầu về nhà chồng, con dâu không được làm bất kỳ việc gì chỉ quan sát để biết những công việc sắp đến phải làm.
Không như những dân tộc khác, trong lễ dạm ngõ và lễ đón dâu của người Mông không có bố mẹ đi cùng, nên sau 3 ngày, bố mẹ chú rể và hai vợ chồng phải mang lễ vật 2 con gà về nhà gái “lại mặt” cha mẹ vợ và chính thức kết tình thông gia…
Tuy đã loại bỏ nhiều thủ tục rườm rà, nhưng ở mỗi vùng vẫn còn những quy định bất cập cần được loại dần. Ông Hoàng Văn Bằng Phó Bí thư Chi bộ, thành viên đội công tác 253 thôn Noh Prông trăn trở: Trong lễ dạm ngõ, để thử thách lòng nhiệt thành của nhà trai, người Mông trắng, gốc quê Cao Bằng vẫn còn giữ tập quán yêu cầu 2 người đại diện của nhà trai trực tiếp đi mời 2 người đại diện của nhà gái theo hướng dẫn của cha mẹ nhà gái, nếu ở gần thì không có gì đáng nói, nhưng đối với các bậc trưởng bối là người đại diện nhà gái ở khác xã, khác huyện thậm chí ở tỉnh thành khác thì rất khó khăn cho nhà trai. Vì thế, bản thân ông cũng đang ra sức tuyên truyền cho người dân am hiểu, các gia đình nên có sự chuẩn bị, mời các bậc trưởng bối đại diện là người gần nhà hoặc nếu ở xa nên đến nhà trước một vài ngày để công việc tiến triển tốt đẹp./.