Thoát nghèo bền vững nhờ vốn tín dụng chính sách
Tín dụng chính sách không chỉ là "người bạn" đồng hành thân thiết của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, mà còn là "trụ đỡ" trong công tác giảm nghèo của huyện. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã từng bước vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Năm 2024, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm góp phần phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội. Thông qua các nguồn vốn khác nhau, các hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện ổn định cuộc sống, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho gia đình, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Y Siu Dĩng ở buôn Kluốt xã Êa Trul là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Nhiều năm qua nhà đình anh phải sống trong căn nhà dột dát. Năm 2024 Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân cho gia đình anh vay 40 triệu đồng thuộc Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính Phủ, cùng với số tiền 44 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ gia đình anh đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang rộng 60m2 để ở. Bên cạnh đó, gia đình anh Y Siu Dĩng còn được vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản về phát triển kinh tế gia đình, đến nay đàn trâu của gia đình anh đã có 4 con. Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình. Anh Y Siu Dĩng quyết tâm trả hết nợ và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Với chị H’ Thuyết Niê, ở buôn Dang Kang, xã Dang Kang thì nguồn vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực sự trở thành đòn bẩy giúp gia đình chị có điều kiện phát triển kinh tế. Là hộ nghèo của xã, khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, H’ Thuyết đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, qua 07 năm tiếp cận nguồn vốn với 02 lần vay giờ đây đàn bò sinh sản của gia đình chị đã có 09 con, đây là điều kiện để gia đình chị phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Tổng dư nợ thực hiện năm 2024 trên địa bàn huyện là 671.388 triệu đồng đạt 100% kế hoạch, tăng 55.364 triệu đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng đạt 9%. Số khách hàng còn dư nợ là 13.093 hộ, trong đó số hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số có dư nợ là 6.503 hộ với 272.603 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 40,6% số hộ vay vốn. Đồng thời, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Phòng giao dịch đã tham mưu Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó tăng cường quản lý đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Ban Lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến toàn thể cán bộ phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi để kịp thời đáp ứng với phương châm không để ai thiếu vốn. Trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương năm 2025; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển của đơn vị đến năm 2030.
Ái Phương