Phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình “Điểm giao dịch xã” tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông luôn tích cực phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai hiệu quả các điểm giao dịch xã. Qua đó giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác tiết kiệm chi phí đi lại, tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất nhằm mục đích đầu tư sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo.
Để hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với nguồn vốn và các dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp. Phòng giao dịch NHCSXH huyện thành lập 13 điểm giao dịch ở 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và được tổ chức giao dịch theo lịch cố định hàng tháng (kể cả thứ 7, chủ nhật). Điểm giao dịch xã không chỉ là nơi giao dịch trực tiếp với người dân mà còn là nơi công khai các chính sách tín dụng, niêm yết các quy trình thủ tục; công khai danh sách các hộ vay được vay vốn, số tiền vay, hỗ trợ lãi suất... Giúp người dân hiểu rõ hơn về mục đích và ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời góp phần tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cùng tham gia vào công tác giám sát tín dụng chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn ưu đãi của Chính phủ. Bên cạnh đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng tại Điểm giao dịch xã, thị trấn, hoạt động của NHCSXH luôn được các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và Ban xóa đói giảm nghèo thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Với tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã", NHCSXH luôn đồng hành sát cánh, mang nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhờ tổ chức tốt các phiên giao dịch tại Điểm giao dịch các xã, thị trấn. Thời gian qua chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt. Tính đến 31/8/2024, tổng dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là 662.852 triệu đồng, với 13.293 khách hàng vay vốn, tăng 46.827 triệu đồng so với đầu năm. Tại các điểm giao dịch các xã, thị trấn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện các nghiệp vụ như: Thu nợ, giải ngân, thu lãi, huy động tiền gửi của các tổ chức cá nhân, nhận tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, triển khai dịch vụ SmartBanking thực hiện đăng ký dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu, hỗ trợ cài đặt và sử dụng, qua đó thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong việc giao dịch với ngân hàng. Đồng thời thực hiện tuyên truyền các chủ trương chính sách mới để cho người dân nắm bắt kịp thời.
Mô hình Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn của NHCSXH là cầu nối giúp hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đem đồng vốn ưu đãi đến tay người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và cũng là một trong những nguồn lực đóng góp vào sự thành công của chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.