Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 12/09/2024

Giải pháp để vùng dứa nguyên liệu Krông Bông phát triển bền vững

Nhắc đến huyện Krông Bông có lẽ nhiều người sẽ biết đến vùng căn cứ cách mạng năm xưa của tỉnh Đăk Lăk - địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh  và cả khu vực Tây Nguyên (09/5/1965), là hậu cứ của cách mạng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 1965 - 1975. Được thành lập vào ngày 19/9/1981, trải qua 43 năm xây dựng và phát triển Krông Bông đã dần thay da đổi thịt, nhưng những khó khắn vất vả của người dân vẫn đang là bài toán cần giải của các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong phát triển nông nghiệp.

Là huyện thuần nông, trong phát triển kinh tế nông nghiệp, với địa thế đồi núi chiếm phần lớn, Krông Bông không phải là địa phương có ưu thế đất đai của vùng Tây Nguyên như các địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk. Ở các xã Dang Kang, Hòa Thành, Cư Drăm, Yang Mao có một phần đất đỏ bazan, cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, sầu riêng được quan tâm phát triển, còn lại nông nghiệp ở Krông Bông chủ yếu dựa vào cây lúa và các cây ngắn ngày. Ở các sườn đồi núi dốc, người dân chỉ trồng được ngô lai, sắn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Làm gì để khai thác lợi thế nông nghiệp đối với huyện thuần nông như Krông Bông? Đây không chỉ là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền, các ngành đoàn thể, địa phương mà còn là nỗi trăn trở của chính người dân một nắng, hai sương gắn bó với vùng đất căn cứ này. Trong thời gian vừa qua, chính nỗi trăn trở đó là động lực giúp nông nghiệp Krông Bông có những sản phẩm nông nghiệp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như gạo ST 24, ST 25 của Hợp Tác xã dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình, nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Nấm Linh chi Cư Kty…

Trong những năm gần đây, cây trồng được người dân các xã cánh Đông, các xã căn cứ của huyện phát triển mạnh, đem lại thu nhập khả quan, đó là cây Dứa. Cây Dứa Krông Bông được đánh giá có chất lượng tốt nhất cả nước, đã có tư nhân ở xã Cư Drăm xuất khẩu Dứa Krông Bông sang Hàn Quốc, chào hàng tại Nhật Bản và Dubai, đây là cơ hội phát triển vùng nguyên liệu Dứa cũng như thương hiệu Dứa Krông Bông đến thị trường cả nước và cả thị trường nước ngoài nếu được đầu tư các phương diện liên quan đến chuỗi liên kết nội địa cũng như xuất khẩu. Nếu Dứa Krông Bông phát triển bền vững sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở địa phương, đặc biệt là người dân ở các xã căn cứ cánh Đông của huyện, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nói riêng và nông nghiệp của huyện Krông Bông ngày càng phát triển bền vững.

Cây Dứa, chủ yếu là giống Dứa Cayen được nông dân Krông Bông trồng từ năm 2012. Ban đầu do một vài người dân ở xã Cư Drăm mua giống trồng ăn, sau đó, thấy cây Dứa thích hợp ở những diện tích đất đồi dốc, sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh, được thương lái thu mua với giá cao nên người dân ở các xã cánh Đông của huyện tăng mạnh diện tích trồng Dứa từ năm 2015 trở lại đây.

Hiện nay, nếu trồng đúng kỹ thuật, một ha đất trồng Dứa sau khi trừ chi phí, năm đầu tiên, nông dân thu lợi nhuận từ 300 triệu đồng trở lên, năm thứ 2 nếu chăm sóc tốt có thể thu lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận năm thứ 3 khoảng 250 triệu đồng, năm thứ 4, thứ 5 chỉ thu lợi nhuận từ 100 đến 150 triệu đồng/ha (do cây Dứa già không đạt năng suất). Đối với các xã cánh Đông, những triền đất đồi xưa nay chỉ trồng ngô lai, sắn, đỗ các loại không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song, cây Dứa ít vốn đầu tư, có thể chủ động điều chỉnh thời gian thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay của rất nhiều hộ dân, đặc biệt là xã Cư Drăm. Do đó, đã thu hút rất nhiều người dân ở các xã cánh Đông mở rộng diện tích trồng Dứa. Riêng năm 2023, diện tích trồng Dứa trên địa bàn huyện Krông Bông tăng cao nhất, lên đến 2.150 ha và có khả năng mở rộng diện tích trong các năm tới từ 1.500 – 2.000 ha, chưa kể có thể mở rộng ra xã Hoà Lễ và các xã khác.

Dứa Krông Bông đang có triển vọng phát triển thành vùng nguyên liệu không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà có khả năng gia nhập thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, trước tiên phải tập trung phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ Dứa. UBND huyện Krông Bông đã tổ chức Hội nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ dứa với Công ty CPXKTP Đồng Giao, đây là cố gắng của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong tìm hướng phát triển bền vững cho cây Dứa Krông Bông, không chỉ dừng lại ở chuỗi liên kết trong nước mà tương lai để tăng giá trị cho cây Dứa Krông Bông cần có chuỗi liên kết bền vững với thị trường nước ngoài.

Để ổn định vùng nguyên liệu dứa, cần tập trung phát triển diện tích trồng Dứa tại các xã cánh Đông của huyện như Cư Drăm, Yang Mao, Cư Pui và Hoà Phong, có thể mở rộng đến các xã khác. Để thực hiện điều này  huyện cần sớm công bố kết quả phân tích của bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, đó là cơ sở khoa học giúp địa phương có thêm căn cứ khoa học định hướng cây trồng phù hợp hơn, xây dựng dữ liệu số hóa nền nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, làm căn cứ để xây dựng hệ thống cây trồng thích hợp dựa trên nguyên lý “đất nào cây đó”. Việc hiểu rõ tính chất của các loại đất giúp người nông dân áp dụng biện pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc phù hợp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây Dứa mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển nền nông nghiệp chính xác trong tương lai.

Trong quá trình phát triển diện tích, các địa phương cần củng cố, kiện toàn, thành lập mới các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trồng Dứa để đại diện người dân trồng Dứa ký hợp đồng trực tiếp với các công ty trong liên kết sản xuất và tiêu thụ Dứa.

Để cây Dứa phát triển bền vững, khẳng định chất lượng và thương hiệu Dứa Krông Bông trên thị trường, hướng tới xuất khẩu đòi hỏi chính người nông dân trồng Dứa phải thay đổi tư duy, từ đầu tư, thu hoạch cho đến việc khắc phục tư duy tiểu nông, “ăn xổi ở thì” để đảm bảo chất lượng và uy tín lâu dài của vùng nguyên liệu Dứa đối với các đối tác.

Bên cạnh những hạn chế cần giải quyết để mở rộng vùng sản xuất, đảm bảo chất lượng quả Dứa, còn có những khó khăn đòi hỏi phải có quyết sách đầu tư lớn từ Trung ương, tỉnh tháo gỡ khó khăn về cơ sở hạ tầng đi đến vùng nguyên liệu Dứa, rút ngắn thời gian thu hoạch, vận chuyển, đặc biệt là đường và điện. Trong trường hợp có chuỗi liên kết lâu dài trong xuất khẩu cần hỗ trợ kinh phí xây dựng xưởng rửa, đóng gói tại huyện Krông Bông để rút ngắn quá trình vận chuyển và lưu trữ hàng hóa một cách hiệu quả từ điểm xuất xứ đến điểm tiêu thụ (loggictic).

Để vùng nguyên liệu Dứa Krông Bông phát triển bền vững cần có sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp. Tạo động lực để nông dân vùng nguyên liệu dứa quyết tâm đưa sản phẩm dứa đạt tiêu chuẩn ra thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững tạo đột phá trong tương lai.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang