Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 30/08/2024

4 năm tù giam vì 2 con chồn bay

 

Trung tuần tháng 8 năm 2024, Toà án Nhân dân huyện Krông Bông mở phiên toàn xét xử vụ: Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, khi toà tuyên án 4 năm tù, bị cáo – người dùng súng mua trên mạng internet vào địa phận Vườn Quốc gia Chư Yang Sin ở khu vực xã Yang Mao bắn 2 con chồn bay, bị cáo – người đàn ông trụ cột của gia đình - không nghĩ đến việc phải trả giá bằng bản án 4 năm tù giam. Không riêng gì bị cáo trong vụ án này mà không ít người dân ở vùng núi vẫn còn nặng thói quen: “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”…, dẫn đến hành vi săn bắt động vật nguy cấp, quý, hiếm thường xuyên xảy ra.

Cán bộ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin gỡ một số loại bẫy thú người dân đặt trong rừng

Hầu như trong tất cả các vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được đưa ra xét xử ở huyện Krông Bông, đối tượng phạm tội là những người trước đó chưa có tiền án, tiền sự. Do nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên khi ra trước tòa, các bị cáo mới biết mức hình phạt mình phải đối mặt. Tuy nhiên, việc nhà nước cấm săn bắt, buôn bán động vật hoang dã thì ai cũng biết nên việc săn bắt này diễn ra lén lút.

Trong vụ án nêu trên, bị cáo đã đặt mua 01 khẩu súng hơi và đạn chì trên mạng internet để về săn bắn thú rừng. Bị cáo mang theo khẩu súng nêu trên vào rừng thuộc địa phận xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk do Vườn Quốc gia Chư Yang Sin quản lý để săn bắn thú rừng. Khi bị cáo phát hiện 02 con chồn bay đang bám trên cây đã dùng súng bắn chết hai con chồn bay này, sau đó bỏ 02 con chồn bay đã chết vào ba lô để mang về nhà ăn. Trên đường về, tổ tuần tra, truy quét của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin phát hiện, bắt quả tang và bản án 4 năm tù là một cái giá phải trả quá đắt đối với người đàn ông này. Vậy nhưng, như đã nói ở trên, đa phần các bị cáo đều khai chỉ biết việc săn bắt động vật hoang dã bị cấm nhưng không biết được hình phạt nghiêm khắc đi kèm. Thực tế đó cho thấy nếu không nâng mức độ cảnh báo lên cao hơn, nhiều người sẽ lặp lại hành vi vi phạm này, nhất là những người dân sinh sống ở vùng rừng núi.

Vấn nạn săn bắt động vật hoang dã tại đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với hệ sinh thái tự nhiên và tác động tiêu cực lên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Dù công tác tuyên truyền trong những năm qua được đẩy mạnh, hình phạt về việc săn bắt động vật hoang dã cũng được quy định nghiêm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, từ khi internet phát triển, nhiều đối tượng đã sử dụng để quảng cáo, rao bán công khai các công cụ hỗ trợ săn bắt động vật hoang dã. Thường khi các vụ việc vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và đưa ra xét xử, các đối tượng phải đối mặt với mức án mà bản thân không ngờ tới mới biết rằng bản thân mình không phải chỉ là đi săn bắt thú trong rừng mà là vi phạm pháp luật nghiêm trọng về hành vi cấm săn bắn, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin vận động người dân thả Tê Tê về với môi trường rừng hoang dã.

Mặc dù trong thời gian vừa qua, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã phối hợp với các ngành nỗ lực có các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia như gỡ bẫy đặt trong rừng, giải cứu động vật mắc bẫy, vận động người dân, tổ chức thả động vật hoang dã về với rừng. Song, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân nâng cao nhận thức, giảm tình trạng săn bắn, mua bán trái phép. Nên mở những phiên tòa lưu động xét xử các vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” ở các xã để người dân thấy “người thật, việc thật”, từ đó ý thức rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ tài nguyên rừng.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang