Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 31/07/2018

Xã Yang Mao: Loay hoay tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo

Yang Mao là xã vùng sâu của huyện Krông Bông. Toàn xã có 1.079 hộ, 5.103 khẩu, trong đó trên 70% là đồng bào dân tộc M’nông và Ê Đê. Những năm vừa qua, Yang Mao là địa phương được đầu tư nhiều vốn từ các dự án, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân như điện lưới quốc gia đã phủ khắp 11 thôn, buôn trong xã; đường giao thông nội vùng được nhựa và bê tông hóa gần hết; công sở, trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng kiên cố. Tuy nhiên công tác giảm nghèo ở Yang Mao chưa mang lại hiệu quả, cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê, năm 2016 xã Yang Mao có 64% hộ nghèo và cận nghèo thì đến năm 2018 tăng lên 75,5% hộ nghèo và cận nghèo (49,9 % hộ nghèo, 25,6 % hộ cận nghèo). Là xã thuần nông, tổng diện tích đất canh tác hàng năm là 2.257 ha. Phần lớn người dân sử dụng đất chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Cây trồng tương đối đa dạng như cà phê, điều, hồ tiêu; các loại cây ngắn ngày như bắp lai, đậu, sắn, lúa, dứa… Song ít được đầu tư chăm bón cộng thêm thời tiết không thuận lợi nên năng suất rất thấp. Thậm chí có một số hộ còn bỏ hoang diện tích đất sườn đồi hoặc trồng nhưng không chăm sóc do không chủ động được nguồn nước. Việc chăn nuôi cũng chẳng khá hơn. Nhiều hộ được các dự án hỗ trợ giống bò, dê, heo, gà nhưng không đầu tư, không nhân rộng, việc chăm sóc không đúng kỹ thuật nên cảnh thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo cứ thế tăng cao. Ông Ama Truyên ở buôn Kiều có hơn 1 sào ruộng và gần 2 ha đất trồng sắn. Do đất xấu, không cải tạo, không đầu tư phân bón, thiếu nguồn nước nên lúa chỉ làm được 1 vụ. Trồng sắn vì đất xấu, không làm cỏ, lại thiếu phân nên sau hơn 1 năm, gia đình ông chỉ thu được hơn 5 triệu đồng từ bán sắn. Trừ chi phí (chưa tính công) còn lãi được hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra gia đình không nuôi thêm con gì. Với 4 khẩu, hàng năm luôn thiếu ăn và khó có thể thoát nghèo. Ông Ama Truyên than thở: “Do chẳng có nguồn gì để thu nên giờ ở nhà ai thuê gì làm nấy để lấy tiền mua gạo. Không có tiền nên cũng chẳng mua nỗi một bộ bàn ghế để ngồi và cũng không có tiền kéo điện cho con học bài”.

Làm kinh tế không hiệu quả, nhiều diện tích đất của nông dân bị bỏ hoang

Hàng năm có đến hàng chục tỷ đồng được đầu tư từ các nguồn vốn của các dự án như Giảm nghèo Tây Nguyên, Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi (135), dự án An toàn khu (ATK) và nhiều nguồn vốn vay, hỗ trợ, ưu đãi khác, giúp người dân về vốn, giống, chuồng trại; công tác tập huấn, hướng dẫn kiến thức về kỹ thuật nuôi, trồng, chọn giống, chăm sóc… Song hiệu quả mà các mô hình đem lại vẫn không đạt như mong muốn. Việc chọn cây, chọn con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, giá cả để hướng cho bà con nông dân đang là bài toán chưa có lời giải đối với cấp ủy và chính quyền ở xã Yang Mao. Vì vậy nhiều hộ chăn nuôi, trồng trọt tự phát, chạy theo phong trào, thiếu quy hoạch nên điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ thường xuyên xảy ra.

Có lẽ khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo ở xã Yang Mao là việc chưa thay đổi được tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của một bộ phận không nhỏ bà con nông dân. Hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn ưu đãi được bà con thụ hưởng để đầu tư, sản xuất. Song không những không đem lại hiệu quả mà thậm chí nhiều hộ còn vướng vào nợ xấu, không còn khả năng trả gốc, trả lãi cho ngân hàng do đầu tư sai mục đích. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chây lười, “ăn xổi”, không tích lũy, thiếu quyết tâm thoát nghèo ở một bộ phận người dân, lãng phí nguồn lao động đang là bước cản để Yang Mao thực hiện thành công tiêu chí giảm nghèo. Các dự án giúp người dân cái “cần câu” nhưng nhiều người vẫn không lấy đó làm điểm tựa để thoát nghèo mà sử dụng sai mục đích dẫn đến làm mất “cả chì lẫn chài”, không còn vốn để đầu tư sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo cao kéo theo tỷ lệ nhà ở tạm bợ của người dân Yang Mao cũng đang ở mức cao. Vợ chồng và 2 đứa con anh Y Van H’long ở buôn Hằng Năm sống chỉ nhờ vào mấy sào rẫy. Hàng năm thiếu ăn từ 3 đến 5 tháng. Ngoài thời gian làm rẫy, anh Y Van đi làm thuê nhưng công việc cũng không thường xuyên. Anh Y Van cho biết: “Lấy vợ được hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện làm một ngôi nhà chắc chắn để ở. Hai vợ chồng và 2 đứa con ở trong căn nhà sàn tạm bợ. Cơn bão số 12 vừa qua làm đổ mất đến nay vẫn không biết lấy đâu ra tiền để làm lại ngôi nhà mới, đành sửa lại nhà cũ ở và căng tạm bạt làm bếp để sử dụng”.

Đất, vốn, giống, kỹ thuật, giá cả… rất quan trọng đối với người nông dân. Tuy nhiên theo cấp ủy và chính quyền xã Yang Mao thì việc cần nhất lúc này là phát huy nội lực, là sự nỗ lực và sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm của người dân mới mong giải được bài toán giảm nghèo ở địa phương này. Ông Trần Mậu Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao chia sẻ: “Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của xã vẫn đạt theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên số hộ tái nghèo lại có chiều hướng gia tăng. Khó khăn nhất đối với cấp ủy và chính quyền ở xã Yang Mao lúc này là hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao tinh thần tự giác, thay đổi cách nghĩ, cách làm”.

Bài, ảnh: Tùng Lâm

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang