Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 25/08/2018

Xã Hòa Phong chủ động ứng phó trước mùa mưa bão

Hiện nay đang vào mùa mưa bão, nhằm ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến thất thường, đảm bảo nhu cầu đi lại và nước tưới cho các loại cây trồng, ngay từ đầu vụ mùa 2018 xã Hòa Phong đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn ngân sách từ các chương trình, dự án của tỉnh, huyện và xã để duy tu, sửa chữa, gia cố và xây dựng các công trình thủy lợi đã xuống cấp, làm kè chống sạt lở  trên các đoạn đường xung yếu, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Theo sự phân cấp, hiện nay hầu hết các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được giao về cho các xã quản lý, ở xã Hòa Phong hiện có 4 công trình thủy lợi tưới cho 132 ha lúa nước 2 vụ, ngoài đập Ea Drui được xây dựng kiên cố vào năm 1987 tưới cho hơn 30 ha ở cánh đồng Buôn Ngô A, số còn lại đều là đập tràn, đập bổi làm tạm bợ bằng đất, rọ đá… sau mỗi mùa mưa lũ bị nước cuốn trôi, nhân dân lại phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để sửa chữa, nhưng cũng chỉ mang tính đối phó tình thế, vào mùa khô tổ quản lý thủy nông phải phân chia lịch tưới định kỳ cho từng cánh đồng, nghiêm trọng hơn là đường tỉnh lộ 12, đoạn km30 đi ngang qua thôn 4 của xã, bị sạt lở ăn sâu chỉ còn cách nền đường từ 3 đến 5 mét và đe dọa nhiều nhà cửa của các hộ dân. Vì thế, năm 2018 xã đã được nhà nước đầu tư 15 tỷ 261 triệu đồng (trong đó quỹ phòng chống giảm nhẹ thiên tai huyện hỗ trợ 400.000.000 đồng), xây dựng kiên cố 2 công trình thủy lợi, sửa chữa 1 đập tràn và kiên cố hóa 3.165 mét kênh mương bao gồm: Tái xây dựng lại đập Sơn Phong và 2 tuyến kênh dài 1485 mét với nguồn vốn 11 tỷ 100 triệu đồng (đây là công trình được xây dựng từ năm 2000 nhưng vì nhiều lý do khách quan, nên công trình không phát huy tác dụng, bỏ dở dang suốt 18 năm qua); đập Buôn Ngô B là đập dâng được làm bằng bê tông cốt thép, với số tiền đầu tư là 1 tỷ 161 triệu đồng, sửa chữa rọ đá đập tràn Cư Phiăng với số tiền 300.000.000 đồng, kiên cố hóa hệ thống kênh mương ở các cánh đồng dài 1.680 mét, nâng tổng số chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 4.650 mét. Ngoài ra, quỹ phòng chống giảm nhẹ thiên tai của huyện còn đầu tư 900.000.000 đồng để làm kè chống sạt lở đoạn đi qua thôn 4 của xã. Ông Nguyễn Kỳ Cảnh, cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới  xã Hòa Phong cho biết: Để góp phần chủ động ứng phó trước tình hình mưa bão và ngày càng hoàn thiện tiêu chí số 3 về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới, nên trong năm 2018 xã đã ưu tiên tập trung mọi nguồn vốn cho việc xây dựng kiên cố các công trình thủy lợi, nhờ vậy mà diện tích lúa nước tăng từ 132 ha lên 145 ha, năng lực tưới của các hệ thống thủy lợi tăng từ 45% lên 60 %, hy vọng trong mùa mưa bão năm nay cũng như những năm sau, các công trình này sẽ phát huy tác dụng, đảm bảo đủ nước tưới, tiêu cho toàn bộ diện tích lúa nước và các loại cây trồng khác, đồng thời tiết kiệm được công sức, tiền bạc sửa chữa sau mỗi mùa mưa bão… Tuy nhiên, hiện tại ở xã Hòa Phong vẫn còn 1 điểm sạt lở nghiêm trọng ở thôn 1, sau cơn bão số 12 dẫn đến lũ lụt hồi cuối năm 2017, đoạn đường bê tông dài hơn 100 mét, được xây dựng từ nguồn vốn DA18 bị nước xói lở vào sâu trong nhiều khu dân cư, toàn bộ đoạn đường trên cũng bị lũ cuốn trôi, việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa có vốn để làm kè chống sạt lở.

Đập thủy điện Sơn Phong đang trong quá trình vận hành thử

Ông Đỗ Văn Lát, thôn trưởng thôn 1 nói: Phần đông diện tích sản xuất của thôn chúng tôi nằm bên kia sông, do giao thông cách trở nên cách đây hơn 4 năm, được dự án DA18 đầu tư kinh phí 200 triệu đồng, làm 120 mét đường bê tông, nối từ tỉnh lộ ra bờ sông, nhưng cơn bão số 12 đã cuốn trôi mất, nay không chỉ khó khăn cho việc đi lại của bà con mà quan trọng hơn là nước đã xói lở vào nhiều khu dân cư, nếu không có kè chống sạt lở thì nguy cơ bị xóa sổ khi gặp mưa bão lớn như hồi năm ngoái là điều có thể xảy ra…

Ông Huỳnh Viết Trinh - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong cũng trăn trở: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã rất biết ơn Đảng và nhà nước, trong những năm qua đã quan tâm đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình ứng phó với thiên tai, tuy nhiên, là một địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 69%, do đó việc huy động sức dân đóng góp một khoản tiền lớn là ngoài khả năng của xã, rất mong được nhà nước sớm hỗ trợ kinh phí để làm kè chống sạt lở cho thôn 1, để người dân bớt lo âu khi mà mùa mưa lũ đang đến gần.

Bên cạnh việc xây dựng, sửa chữa các công trình mang tính ổn định lâu dài, thì Chính quyền xã cũng đã rà soát, bổ sung kế hoạch phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn xã, đồng thời phân công cán bộ chủ chốt về các thôn, buôn, trọng điểm thường bị xảy ra lốc xoáy hoặc nước lũ đi qua, tổ chức họp tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân trong việc chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thường xuyên kiểm tra lực lượng và các phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Viết Tăng 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang