Vượt lên nỗi đau da cam
Trong cuộc mưu sinh kiếm tìm hạnh phúc, mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, nhưng để cuộc sống của 10 con người trong một gia đình nông dân có 2 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam, vươn lên khá giả như gia đình Ông Huỳnh Thanh Tùng sinh năm 1956 ở thôn 2 xã Dang Kang (Krông Bông) thật đáng khâm phục và trân trọng biết bao.
Quê ông ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng nam, vì có liên quan đến Cách mạng thời kỳ chống Pháp, nên năm 1955 cha ông bị địch bắt đem đi thủ tiêu, lúc đó ông vẫn còn là một bào thai ba tháng tuổi trong bụng mẹ. Ngày ông chào đời thiếu bàn tay chăm sóc của cha, mẹ ông đã phải “một nắng, hai sương” để nuôi ông khôn lớn. Thương xót cho hoàn cảnh côi cút, người cô ruột của ông là bà Huỳnh Thị Trái một cơ sở cách mạng hoạt động bí mật trong lòng địch, thường xuyên lui tới thăm nom giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần và giáo dục cho ông nhận rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù, để ông lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn lúc trưởng thành.
Năm 1972, khi vừa tròn 16 tuổi, bà Trái đã đưa ông thoát ly vào Đội công tác huyện Thăng Bình, được tổ chức phân công nhiệm vụ vận động bà con ở 6 xã vùng giải phóng trong huyện đóng góp lương thực, thuốc men cho cách mạng. Cuối năm 1972, khi chuẩn bị ký kết hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam, địch tăng cường đánh phá vào các vùng lõm, nhằm thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, hòng giành được nhiều dân, chiếm được nhiều đất… cho nên cuối năm ấy, trong một lần vận chuyển lương thực, thuốc men về đơn vị, ông bị máy bay của địch thả bom và bị thương ở vùng bụng. Sau một thời gian điều trị, ông tiếp tục trở lại đội công tác tham gia chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước. Tháng 11/1976 ông được điều động lên công tác ở Ban Kinh tế mới tỉnh Đắk Lắk, đến năm 1979, vì sức khỏe giảm sút ông xin thôi việc về sinh sống tại xã Dang Kang cho đến ngày nay. Trở về cuộc sống đời thường là thương binh 4/4 với tỷ lệ thương tật 30%, sau khi lập gia đình lần lượt 8 đứa con ra đời, điều khiến ông day dứt, là người con thứ bảy bị câm và dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc da cam, khiến cuộc sống của gia đình ông ngày càng khó khăn, thiếu thốn. Ông Tùng chia sẻ: Từ thuở lọt lòng ông chưa hề biết mặt cha, vậy mà sự may mắn đó lại không mỉm cười với con ông, nhiều lúc ông thèm được nghe gọi tiếng cha từ miệng đứa con cho gia đình thêm ấm cúng, nhưng thay vào đó chỉ là sự im lặng vô vọng.
Ông Tùng (ngoài cùng bên phải) đang giới thiệu vườn tiêu của gia đình |
Hoàn cảnh gia đình đông con, muốn chiến thắng bệnh tật, đói nghèo cần phải thay đổi cung cách làm ăn, năm 1994, những đứa con của ông cũng đã lớn, mọi nhu cầu sinh hoạt cũng tăng lên, vì thế sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định dành khoản tiền trợ cấp thương tật để thuê mướn thêm lao động cùng với sức lực của hai vợ chồng, gia đình ông tích cực khai hoang mở rộng diện tích, quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đối với những diện tích chủ động tưới tiêu ông bố trí trồng cà phê, tiêu, trong vườn trồng cây ăn trái và cây hoa màu ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi heo sinh sản. Từ chỗ diện tích nhỏ lẻ, độc canh cây lương thực đến nay gia đình ông có 2,5ha đất canh tác (không kể số diện tích chia cho các con khi lập gia đình ở riêng) trong đó có 1ha cà phê, 4.000 m2 tiêu, 2.000 m2 ruộng nước, gần 1 ha cây trồng khác… Với nguồn thu nhập từ sản xuất, ngoài việc trang trải sinh hoạt hàng ngày cho 10 người, ông còn tích lũy được số vốn kha khá, năm 2005 gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện sản xuất, sinh hoạt có giá trị, 6 đứa con của ông lập gia đình đều được ông cấp vốn làm ăn và có cơ ngơi đàng hoàng…
Tuy nhiên, tuổi tác ngày càng cao, những khi “trái gió trở trời” vết thương cũ tái phát, con cái đau yếu phải điều trị dài ngày, số tiền tích lũy bấy lâu cũng dần cạn kiệt, cùng thời điểm này mặt hàng cà phê rớt giá, nên gia đình ông không tránh khỏi khó khăn. Giữa lúc đó, ông được Hội nạn nhân chất độc da cam Tỉnh cho vay 10.000.000 đồng không lãi, có số tiền vay trong tay, ông tập trung đầu tư chăm sóc diện tích các loại cây trồng hiện có và mua giống phát triển cây ăn trái như sầu riêng, bơ both…nhờ vậy mà năng suất cà phê của gia đình ông hàng năm đạt ổn định 2,5 tấn nhân, thu nhập từ cà phê, hồ tiêu bình quân trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, ngoài ra các loại cây trồng ngắn ngày, cây ăn trái và chăn nuôi cũng cho một nguồn thu đáng kể.
Ông Nguyễn Hoài Liên - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Krông Bông cho biết: Toàn huyện hiện có 52 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ chính sách của nhà nước, hầu hết nay đã tuổi cao, sức yếu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Hội, gia đình Ông Tùng, tuy chỉ còn 4 nhân khẩu nhưng với mức thu nhập ổn định trên 100.000.000 đồng/năm, xứng đáng là một điển hình tiên tiến, tại đại hội Hội nạn nhân chất độc Da cam huyện Krông Bông lần thứ ba, nhiệm kỳ 2018 -2023 Ông Tùng đã được UBND huyện khen thưởng.
Viết Tăng