Vốn vay tín dụng chính sách; điểm tựa tiếp sức cho hộ nghèo và đối tượng chính sách xã Cư Pui
Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa rộng lớn trong nhân dân, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp. Chương trình đã kịp thời tiếp vốn cho các hộ nghèo có nguồn lực đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Với mục tiêu đó trong thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Krông Bông đã tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu về vay vốn, kịp thời tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện nói chung và xã Cư Pui nói riêng.
Xã Cư Pui có tổng dân số 2.665 hộ dân, trong đó số hộ nghèo năm 2022 là 1.606 hộ chiếm 60,26%; số hộ cận nghèo có 319 hộ, chiếm 11,97%. Tỉ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 90%, sinh sống trên 13 thôn, buôn của xã. Đến nay, Tín dụng chính sách xã hội đã phủ khắp 100% thôn, buôn của xã và đã thực sự góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc NHCSXH huyện Krông Bông, cho biết: “ Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, NHCSXH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Theo đó nguồn vốn ưu đãi đã được đầu tư đúng hướng vào các mô hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Cư Pui vươn lên thoát nghèo.”
Tập huấn nghiệp vụ cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Theo NHCSXH huyện Krông Bông đến 31/7/2022, Dư nợ tại xã Cư Pui đạt 46.569 triệu đồng, tăng 11.276 triệu đồng so với cuối năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng 32,2% và là xã có tăng trưởng dư nợ lớn nhất so với mức tăng trưởng bình quân chung của huyện là 11%. Toàn xã có hơn 1.000 hộ dân đã tiếp cận nguồn vốn, với 8 chương trình tín dụng đang thực hiện đã góp phần quan trọng phát triển về các mặt kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhằm mục đích hỗ trợ toàn diện về vốn cũng như kiến thức sản xuất, kinh doanh, UBND xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp, trung tâm khuyến nông và các ngành chức năng hàng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê, cây ăn quả các loại, kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, các giống mới có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nguồn vốn ưu đãi đã đem lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp nhiều hộ có sức lao động nhưng thiếu vốn có cơ hội mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Nguồn vốn cho vay không những được bảo toàn và sử dụng đúng mục đích mà còn được sử dụng có hiệu quả giúp hộ vay cải thiện được đời sống, vươn lên thoát nghèo làm giàu bền vững. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như mô hình “Chăn nuôi bò nhốt thâm canh”; mô hình “chăn nuôi dê”; “trồng và chăm sóc cây cà phê”… Những mô hình sản xuất này thể hiện sự hiệu quả vốn vay từ nguồn vốn ưu đãi. Vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đã giúp cho nhiều hộ vay cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn; tạo việc làm mới; nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, cải tạo, nâng cấp; hỗ trợ nhiều hộ nghèo làm nhà ở… Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Ngoãn, thôn Điện Tân đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH. Bà Ngoãn phấn khởi cho biết: “Năm 2019, nhận thấy chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn người thân bà đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò về nuôi nhốt. Cuối năm 2019, được sự giới thiệu, hướng dẫn của hội nông dân xã, bà được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo của NHCSXH huyện. Bằng nguồn vốn này, gia đình đầu tư mua 05 con bò, kết hợp trồng cỏ voi để chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt đến nay đàn bò của gia đình bà phát triển được 10 con và gia đình đã có cuộc sống ổn định”.
Khẳng định vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là công tác xoá đói giảm nghèo, Chủ tịch UBND xã Cư Pui ông Nguyễn Minh Nghiệp cho hay: “Xã xác định công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, xã đã tập trung tạo điều kiện để các gia đình thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để chăn nuôi sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống”.
Có thể khẳng định, Nguồn tín dụng chính sách xã hội đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Qua đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Từng bước tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đưa huyện nhà ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Ái Phương