Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 29/05/2018

VAI TRÒ CỦA H9 - KRÔNG BÔNG TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968 Ở ĐẮK LẮK

Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng ác liệt, trong đó cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân 1968 là một trong những mốc son chói lọi; dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc H9 - Krông Bông đã vượt qua muôn vàn hy sinh gian khổ, đóng góp công sức, máu xương của mình cùng với Nhân dân trong tỉnh và cả nước làm nên một cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tô thắm thêm trang sử hào hùng của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân toàn tỉnh nói chung và của quân và dân các dân tộc H9 - Krông Bông nói riêng đã giành được thắng lợi quan trọng, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ và làm cho bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ngày càng tan rã. Huyện Krông Bông ngày nay, trước đây trong kháng chiến chống Mỹ là huyện H9, là một trong những căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Đăk Lăk trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là huyện được giải phóng sớm nhất so với các huyện trong tỉnh. H9 - Krông Bông nằm ở phía Đông của tỉnh, là nơi có vị trí địa lý quan trọng về nhiều mặt, là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng. Chính vì thế, từ thời Pháp thuộc cho đến thời kỳ Mỹ - ngụy, chúng đều cho xây dựng và bố trí nơi đây thành một hệ thống đồn bốt dày đặc như: đồn Buôn Khanh, đồn Cư Phiăng, đồn Ea Chố, đồn Mí Gar… Lớn nhất là đồn Mí Gar, địch bố trí trên một tiểu đoàn biệt kích Ngụy, có lúc cao hơn do cố vấn Mỹ chỉ huy gồm 6 đại đội, có sân bay để phục vụ cho các đợt đổ quân đi càn quét. Trong những đợt càn lớn, địch còn huy động sư đoàn 23 Ngụy đóng ở BMT, lực lượng bảo an ở quận Phước An, sử dụng máy bay, pháo lớn bắn yểm trợ để đi càn quét hòng đè bẹp phong trào cách mạng ở H9. Cùng với việc xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, Mỹ - nguỵ đã dựng lên bộ máy Nguỵ quyền tay sai để cai trị đến từng thôn, buôn. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và mặt trận B5, quân và dân H9 đã từng bước xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Thực hiện phương châm: “Lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, chọn sơ hở và chỗ yếu của địch mà đánh và đi từ không đến có, từ có đến vững mạnh về số lượng và chất lượng”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hang đá Dak Tuar là nơi đóng quân của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh Ảnh: Nguồn Internet

 

Giữa những năm 1960, sau thắng lợi của quân chủ lực đánh vào buôn Khanh và quận Lạc Thiện, địch bị thất bại và hoang mang. Chớp lấy thời cơ, dưới sự hướng dẫn của cơ sở cách mạng, quần chúng đã đồng loạt nổi dậy, giải phóng 5 xã phía đông của huyện với hơn 4.000 dân. Tuyên bố giải tán bộ máy Nguỵ quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Đây là vùng giải phóng đầu tiên mở ra thuận lợi mới, hướng đi mới, bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng của huyện. Tháng 2 năm 1965, quân và dân H9 đã đánh bại trận càn lớn của trung đoàn 45 thuộc sư đoàn 23 Nguỵ tại Khuê Ngọc Điền, tiêu diệt 1 đại đội địch. Phát huy khí thế sôi sục trước thắng lợi trên, nhân dân khắp nơi trong huyện nổi dậy diệt ác phá kìm, giành chính quyền về tay nhân dân. Đến ngày 19/5/1965, H9 hoàn toàn được giải phóng. Tết Mậu Thân (1968) Trung ương xác định thời cơ phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy nhằm vào lúc địch sơ hở; dùng lực lượng quân sự đánh vào thành thị, giữ vững thế làm chủ, phát động quần chúng đưa cao trào lên tổng khởi nghĩa. Trên chiến trường Đắk Lắk, thời điểm này có những chuyển biến hết sức có lợi cho ta. Sau thất bại của cuộc phản công chiến lược Mùa Khô 1966 - 1967 và liên tiếp bị quân và dân ta bẻ gãy những trận càn vào vùng giải phóng, Mỹ - ngụy lâm vào tình thế nao núng, khả năng của địch chỉ còn đủ để phòng thủ các thị xã, quận lỵ.

Vùng tự do, vùng giải phóng trong tỉnh liên tục được mở ra. Nhiều khu vực nông thôn trước đây địch kiểm soát đã đưa vào diện tranh chấp. Trên khắp các chiến trường, ta liên tục đẩy mạnh ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận, đẩy địch đến tình thế suy sụp. Địch càng co về phòng thủ, ta càng mở rộng các bàn đạp sát nách thị xã Buôn Ma Thuột và các quận lỵ, hình thành thế vây ép. Tại H9, vừa phát động quần chúng, các cấp ủy Đảng, Mặt trận và lực lượng vũ trang đã tổ chức dân thành đội ngũ, chuẩn bị cho phong trào tổng khởi nghĩa. Các xã dinh điền và các buôn vùng đồng bào M’nông đã được tập hợp thành 3 Đại đội, 16 Trung đội gồm: Khuê Ngọc Điền, Quảng Cư, Phước Trạch, Thăng Lễ, buôn Chàm, buôn Plum, buôn Tul, buôn Mnăng Dơng, buôn Khanh, buôn Ea Chố, buôn Cư Đrăm, buôn Khóa, buôn H’ngô, buôn Đắk Tuôr… mỗi Đại đội do cấp ủy hoặc tổ Đảng lãnh đạo từ 15 đến 20 quần chúng, có 1 đảng viên hoặc quần chúng cốt cán phụ trách. Tổng số lực lượng chính trị nòng cốt tham gia tổng khởi nghĩa gồm 1.266 người, trong đó có 23 du kích. Huyện ủy phân công đồng chí Sáu - Phó Bí thư Huyện đoàn làm Đại đội trưởng Đại đội xung kích.

Một công tác lớn và cấp bách của quân dân vùng căn cứ H9 là chuẩn bị hậu cần cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Cuối năm 1967, Huyện ủy H9 đã huy động hàng ngàn lượt dân công đi vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược của mặt trận Tây Nguyên chi viện cho tỉnh. Lực lượng dân công, trong đó có hàng trăm chị em, phụ nữ tự mang theo ngô, sắn làm lương thực ra tận phía đông buôn Hồ, có khi ngược lên thượng nguồn sông Ea Hleo để tải đạn. Nhiều chị em gùi đến 60, 70 kg. Ai cũng hăng hái, không quản ngại hy sinh, gian khổ, mong vận chuyển được nhiều vũ khí, lương thực về vùng căn cứ để giúp bộ đội đánh giặc. Nhờ nhiệt tình và ý chí cách mạng kiên cường của Nhân dân, đến cuối năm 1967, ta hoàn thành việc tập kết hàng trăm tấn vũ khí, lương thực về vùng giải phóng, góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa.

Ngoài công tác huy động dân công vận chuyển vũ khí, lương thực về căn cứ, ta phát động toàn dân đóng góp hậu cần chuẩn bị cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Vụ mùa năm 1967, H9 - Krông Bông mất mùa nhưng trong dân vẫn có nguồn hoa màu dự trữ. Huyện thành lập các tổ công tác vận động dân đóng góp hàng trăm tấn ngô, sắn khô. Cảm động nhất là đồng bào M’nông ở buôn Hằng Năm, buôn Khí, buôn Mnăng Dơng, buôn Tul, buôn Kiều… giao hẳn các rẫy sắn cho bộ đội thu hoạch để chuẩn bị lương thực chiến đấu, nhiều gia đình ở Quảng Cư, Thăng Lễ, Khuê Ngọc Điền… góp hết số lương thực dự trữ trong gia đình với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Hàng chục tấn ngô, sắn khô đã được vận chuyển kịp thời về các điểm tập kết để giao cho lực lượng hậu cần của Tỉnh đội.

Lực lượng du kích và Nhân dân tiếp tục làm tốt công tác bố phòng, đề phòng địch càn quét đánh phá; hàng trăm công sự, hầm hào, phòng tuyến chiến đấu được củng cố vững chắc. Du kích và Nhân dân còn tham gia cùng các ban, ngành của tỉnh và lực lượng vũ trang xây dựng các kho tàng, trạm, xưởng, trại tù binh…trong vùng giải phóng để phục vụ kịp thời cho tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Quân dân H9 - Krông Bông trăm người như một hướng về Đảng, xác định thời cơ ngàn năm có một để đứng lên giành độc lập cho Tổ quốc. Hàng ngàn đồng bào làm việc không quản ngày đêm mong được góp sức mình vào cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Nhờ vậy, công tác chuẩn bị về lương thực cho bộ đội cũng như công tác tổ chức đội ngũ đấu tranh chính trị của quần chúng đều hoàn tất ngoài dự kiến của Tỉnh ủy.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, tại vùng giải phóng H9 - Krông Bông, công tác tổ chức tập hợp quần chúng đã hoàn thành theo yêu cầu của tỉnh. Nhân dân các xã, buôn trong vùng căn cứ bừng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng trong đội ngũ để tham gia tổng khởi nghĩa. Đến trước ngày tổng khởi nghĩa, ta khẩn trương tập hợp lực lượng cốt cán trong quần chúng ở Ea Ô, Vụ Bổn, kiểm điểm tình hình, chuẩn bị mọi mặt, phổ biến chủ trương, kế hoạch hạ quyết tâm tổ chức cho đồng bào các dân tộc nổi dậy kịp thời. Nhiệm vụ của lực lượng chính trị H8, H9 là: tranh thủ điều kiện thuận lợi lúc lực lượng vũ trang tổng tiến công tiêu diệt trung tâm đầu não địch tại Buôn Ma Thuột, nhanh chóng kéo về hướng thị xã, bức rút bộ máy kìm kẹp của địch ở vòng ngoài và tiến vào nội thị phối hợp giành chính quyền về tay Nhân dân. Tỉnh giao nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp lãnh đạo toàn bộ lực lượng chính trị và phụ trách tổng khởi nghĩa trong vùng giải phóng.

Chấp hành mệnh lệnh của Ban Chỉ huy mặt trận, đêm 29/01/1968, các đơn vị lực lượng vũ trang đã hành quân bí mật về các điểm tập kết xung quanh Buôn Ma Thuột. Tại vùng căn cứ H9 - Krông Bông, đêm 29/01/1968, toàn thể quần chúng tham gia lực lượng đấu tranh chính trị từ các xã Khuê Ngọc Điền, Phước Trạch, buôn Plum, buôn Cuah, buôn Cư Đrăm, buôn Khóa, buôn H’ngô, buôn Tul, buôn Khanh, buôn Chàm, buôn Mnang Dơng, buôn Đắk Tuôr, Thăng Lễ, Quảng Cư… Dưới sự hướng dẫn của các đội công tác đã tập trung về Vụ Bổn. Quần chúng sắp xếp lại đội ngũ, chuẩn bị lương khô, mang cờ, khẩu hiệu chuẩn bị lên đường.

Một giờ sáng ngày 30/01/1968, ngay sau khi các lực lượng vũ trang ta nổ súng tấn công đồng loạt các mục tiêu tại Buôn Ma Thuột, lực lượng đấu tranh chính trị của vùng căn cứ xuất quân từ Vụ Bổn. Hàng ngàn quần chúng dưới sự hướng dẫn của các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy mang theo khẩu hiệu, cờ mặt trận giải phóng, chiêng, trống, xà gạc rầm rập băng qua các dinh điền tiến ra buôn Phê, hợp với đoàn đấu tranh quần chúng của H8 kéo về Buôn Ma Thuột.

Năm giờ sáng ngày 30/01/1968, lực lượng đấu tranh chính trị của H8, H9 đã kéo đến ấp Kô Tam. Bọn địch chốt giữ tại đây dùng súng M79 và tiểu liên bắn chặn. Má Hai (Huỳnh Thị Hường), chị H’Lanh trong tổ quyết tử và nhiều quần chúng dẫn đầu đoàn đấu tranh hy sinh và bị thương, nhưng đồng bào vẫn ào ạt xông lên với tiếng hô khẩu hiệu vang trời dậy đất. Đến ấp Tình Thương, đoàn đấu tranh bị địch đàn áp hết sức dã man. Bọn địch lùi vào ấp và dùng tất cả các cỡ súng bắn xối xả vào dòng người tay không. Quần chúng sôi sục căm thù, người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Các tổ quyết tử vẫn giương cao ngọn cờ xông lên thể hiện tinh thần hy sinh bất khuất. Anh Bùi Thế Châu lao lên bịt nòng súng trung liên của địch để cho đồng bào vượt qua, có chị con trúng đạn chết nhưng nén đau thương đặt con lại bên đường để tiếp tục nhập vào đoàn đấu tranh. Một bộ phận của đoàn đã tiến đến Km số 5 nhưng lại bị bọn lính của Trung đoàn 45 đàn áp chặn lại một lần nữa.

Cuộc đấu tranh chính trị giành chính quyền của đồng bào, cán bộ chiến sĩ H9 - Krông Bông ngày 30/01/1968 thật sự là cuộc chiến đấu xả thân vì cách mạng. Những lúc bị địch bắn phá, đàn áp điên cuồng nhất là lúc đồng bào hừng hực lòng căm thù, không nghĩ đến cái chết, chỉ biết tiến không lùi. Tấm gương hy sinh oanh liệt của Má Hai, Chị H’Lanh, chị Mười, anh Dũng, anh Đạt, anh Sáu, anh Bùi Thế Châu và trên 160 đồng bào trong cuộc đấu tranh chính trị tại cửa ngõ Buôn Ma Thuột và tấm gương chiến đấu hy sinh bất khuất của các đồng chí cán bộ cốt cán như: anh Long, anh Nhạn cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang H9 vào ngày 30/01/1968 đã tô thắm tinh thần, ý chí cách mạng phi thường của quân dân H9 - Krông Bông. Tuy cuối cùng đoàn đấu tranh chính trị của vùng căn cứ không kéo vào được nội thị Buôn Ma Thuột, nhưng cuộc đấu tranh này thể hiện tinh thần khao khát độc lập tự do và ý chí cách mạng kiên cường bất khuất của đồng bào các dân tộc đã lên đến đỉnh điểm, để lại những dấu ấn không thể nào phai mờ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân các dân tộc H9 - Krông Bông.

Để sớm ổn định tinh thần cho Nhân dân, củng cố thực lực cùng với tỉnh thực hiện chủ trương “tiếp tục tổng công kích - tổng khởi nghĩa”. Huyện ủy H9 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Nam Thắng đã kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm, phân tích thắng lợi có tính chất chiến lược của ta; đánh giá cuộc đấu tranh cướp chính quyền tuy chưa hoàn toàn giành thắng lợi và bị địch đàn áp, song đã góp phần xứng đáng cùng với quân dân trong tỉnh giáng một đòn mạnh mẽ vào chế độ Mỹ - ngụy. Trên cơ sở sơ kết, đánh giá của Huyện ủy, các xã tổ chức phát động quần chúng, động viên Nhân dân giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, ra sức củng cố làng chiến đấu, sẵn sàng ứng phó với âm mưu càn quét đánh phá của kẻ thù. Nhờ những chủ trương và biện pháp kịp thời của Huyện ủy đã nhanh chóng ổn định được tình hình chính trị, tư tưởng của quần chúng, sẵn sàng đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của địch. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân H9 đã thực sự làm chủ cuộc chiến đấu của mình. Quan hệ giữa Đảng với dân khăng khít hơn bao giờ hết. Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng hết sức sâu sắc. Việc gì Đảng đề ra là Nhân dân tích cực thực hiện. Chủ trương, đường lối của Đảng đã biến thành ý chí, hành động của Nhân dân. Nhờ đó, trong những lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, Đảng bộ đã dựa vào Nhân dân để khắc phục và vượt qua để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đã phát động được cao độ vai trò của quần chúng nhân dân H9 tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu hiệu quả có mấy nguyên nhân sau:

Một là, nhân dân H9 - Krông Bông từ lâu vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tuy bị địch khủng bố nhưng các cán bộ, đảng viên và cơ sở Đảng của ta đã kiên trì bám trụ sâu vào lòng dân, tuyên truyền, giáo dục, lôi kéo nên đại đa số nhân dân một lòng tin tưởng ở Đảng, hướng về cách mạng, chỉ chờ cơ hội là vùng lên. Bài học về bám trụ, bắt rễ sâu vào lòng dân của cơ sở Đảng, trực tiếp là của cán bộ chiến sĩ ta luôn có giá trị cho đến ngày nay.

Hai là, khi đặt mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy, chúng ta đã biết lấy quyền lợi của nhân dân và Tổ quốc đặt lên trên hết, đó là nhằm tiêu diệt và đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền phản động tay sai, giải phóng đất đai và con người khỏi áp bức, kìm kẹp, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, dân sinh, dân chủ cho đại đa số nhân dân. Mục tiêu đó là phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân nên được mọi tầng lớp nhiệt tình ủng hộ.

Ba là, trong tổng tiến công và nổi dậy, đi đôi với việc phát động quần chúng đứng lên đấu tranh, bộ đội ta từ chỉ huy đến chiến sĩ đã chấp hành nghiêm kỷ luật quân dân, một lòng đoàn kết, yêu thương và bảo vệ nhân dân nên đã gây dựng được niềm tin sâu sắc, được nhân dân coi như con em của mình và hết lòng che chở, ủng hộ.

Có thể nói vai trò, sự hy sinh về sức người, sức của của nhân dân H9 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là rất lớn. Mặc dù khí thế cách mạng của quần chúng rất cao, nhưng do đòn chủ lực của ta chưa đủ sức đập tan bộ máy sinh lực địch nên tổng khởi nghĩa đã không nổ ra như dự định. Tuy vậy, tinh thần nổi dậy của nhân dân được thể hiện tuyệt vời trong Tết Mậu Thân là bằng chứng tin cậy để Đảng ta khẳng định rằng: nếu đòn chủ lực của ta đủ mạnh, nếu được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và thời cơ lịch sử chín muồi thì chắc chắn lần tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo sẽ thành công trọn vẹn. Điều này được thực tế lịch sử chứng minh trong giải phóng Buôn Ma Thuột 10/3 và đại thắng mùa Xuân năm 1975.

TH

 
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang