Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 25/12/2018

Trồng xen cây dó trầm, hướng đi mới của đồng bào dân tộc Mông ở thôn Cư Tê

Thôn Cư Tê, xã Cư Pui (Krông Bông) có 202 hộ, 1318 khẩu. Người dân chủ yếu là dân tộc Mông. Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, đậu, bắp lai, sắn. Gần đây, cả thôn đã có hơn 100 ha cây nông nghiệp dài ngày, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu. Không những vậy, nhiều hộ còn trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê như bơ, mít, sầu riêng, mảng cầu hay cây điều. Đặc biệt, một số hộ mới đây đã đưa cây dó trầm vào trồng xen trong vườn cà phê, vườn cây ăn quả hay trong các vườn tạp.

 Năm 2015, tình cờ đi thăm người quen ở xã Cư San (huyện M’Đrăk), ông Hùng Đức Thanh thấy một số gia đình ở đây đã trồng xen canh cây dó trầm trong vườn cà phê. Cây dó trầm phát triển tốt, không làm ảnh hưởng đến cà phê. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, ông Thanh và một số hộ dân ở thôn Cư Tê đã xin hạt dó trầm về ươm. Sau 5 tháng, giống cây dó trầm phát triển tốt, ông đem trồng xen vườn cà phê với khoảng cách 2 hàng cà phê. Sau 3 năm trồng, những cây dó trầm phát triển rất tốt. Đến nay trên diện tích 1 ha, ông Thanh đã có 1000 cây cà phê năm thứ 6 và 500 cây dó trầm phát triển rất tốt. Những cây dó trầm đẹp đã có đường kính khoảng gần 20 cm.

Vườn cây gió trầm 3 năm tuổi trồng xen cà phê của ông Hùng Đức Thanh  

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dó trầm đơn giản, người dân rất dễ thực hiện. Việc ươm giống, đào hố, trồng và chăm sóc cây dó trầm cơ bản giống như trồng và chăm sóc cà phê. Tuy nhiên cây dó trầm có rất nhiều sâu ăn lá. Nếu không phòng trừ kịp thời, cây dó trầm sẽ bị chết, nhất là khi cây còn nhỏ. Do đó việc phun thuốc trừ sâu cho cây dó trầm phải được thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Ông Thanh cho biết: “Trồng dó trầm ít bón phân vì khi bón phân cho cà phê thì cây dó trầm sẽ “ăn theo”. Song nó rất nhiều sâu ăn lá. Khi có sâu nó sẽ lan nhanh. Nếu không phun kịp, bị sâu ăn hết lá, cây sẽ chết. Bây giờ gia đình không trồng thêm mà chỉ chăm sóc số dó trầm đã trồng”.

Khi trồng xen cây dó trầm vào vườn cà phê hay các loại cây trồng khác sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng cũng như chất lượng các loại cây trồng. Gia đình ông Lò Hạng Páo, ông Hùng Xuân Lèng, ông Giàng Seo Dế, ông Hùng Xuân Thành (cùng ở thôn Cư Tê) mỗi hộ cũng đã trồng hơn 200 cây dó trầm xen trong vườn cây ăn quả, vườn dứa, vườn cà phê. Gia đình ông Giàng Seo Dế có hơn 400 cây cà phê. Ông đã trồng hơn 200 cây dó trầm xen vườn cà phê gần 3 năm nay nhưng sản lượng cà phê hàng năm vẫn không giảm. Ông Dế cho biết: “Trồng dó trầm trong vườn cà phê với khoảng cách hợp lý thì nó sẽ là cây chắn gió, cây bóng mát giúp cho cà phê phát triển tốt mà không làm ảnh hưởng đến sản lượng”.

Thấy việc trồng xen cây dó trầm dễ dàng, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây phát triển tốt nên một số hộ trong thôn Cư Tê cũng muốn ươm giống để trồng xen canh ở những vườn cà phê, vườn cây ăn quả hoặc trồng ở những mảnh đất đồi dốc. Ông Hùng Xuân Thành, Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Hiện nay bà con trong thôn đang có hàng chục ha đất đồi dốc, phù hợp để trồng cây dó trầm hoặc trồng xen trong các vườn cà phê hay vườn cây ăn quả. Thấy mô hình trồng dó trầm của một số gia đình phát triển tốt, hy vọng đem lại lợi ích kinh tế cao nên một số hộ có ý định nhân rộng. Tuy nhiên do cây dó trầm chưa có đầu ra, chưa biết hiệu quả mà nó đem lại ra sao nên không dám khuyến khích bà con mở rộng. Nếu có được kỷ thuật cấy ghép tạo trầm, có đầu ra, cây dó trầm sẽ là loại cây cho thu nhập cao, giúp đồng bào Mông nơi đây thoát nghèo vươn lên làm giàu”.

 

 Tùng Lâm

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang