Trọn đời theo Đảng
Những ngày đầu năm 2022, có dịp về lại vùng căn cứ Cư Drăm, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với ông Y Hợp Niê Kdăm, tên gọi khác Y Sai Niê Kđăm (thường gọi Ama Phương) thương binh 4/4, dân tộc Êđê, ở buôn Chàm A. Với 81 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, mái tóc giờ đã pha sương và đang bị bệnh tim, nhưng trong đôi mắt của người đảng viên già ấy luôn sáng lên một niềm tin mãnh liệt.
Ông là con trai cả trong một gia đình có 7 anh em ở buôn Tay, Krông Jing, Mđrăk, mồ côi cha từ nhỏ, năm 19 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho cách mạng ở địa phương, do bị địch nghi ngờ thường xuyên mật phục theo dõi, quyết không để lộ cơ sở nên đêm ngày 05/5/1961 ông cùng 2 người em kế là Y Luyện Niê Kđăm (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng-Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk) và Y Brung Niê Kđăm (liệt sỹ) băng qua những cánh rừng đến vùng 4 B5 (H9 sau này) thoát ly vào Giao bưu tỉnh Đăk Lăk, xây dựng tuyến hành lang đông – tây Trường Sơn. Đây là một công việc rất nguy hiểm, việc đi về như “con thoi” từ Đăk Lăk xuống Phú Yên chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ hy sinh bất cứ lúc nào, nhưng với bản lĩnh nhạy bén, đánh giá tình hình chính xác, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó và được kết nạp vào Đảng ngày 15/5/1962.
Ông Y Hợp Niê Kđăm xúc động kể lại nhưng thời gian tham gia cách mạng
Ông Y Hợp Niê Kđăm nhớ lại: Ngày đó đứng trước cờ Đảng, cờ tổ quốc, tôi đã hô vang lời thề của đảng viên mới, thiêng liêng và xúc động lắm, trong công tác cũng như cuộc sống đời thường, lời thề ấy là hành trang theo tôi suốt những năm kháng chiến cho đến tận bây giờ…
Từ năm 1963 đến năm 1975, ông lần lượt giữ các chức vụ Trạm phó rồi đến Trạm trưởng T3 (Đăk Lăk), Bí thư Chi bộ kiêm Đội trưởng đội công tác hoạt động nội thành Ban mê Thuột (mật danh H6).
Sau ngày thống nhất đất nước cho đến ngày nghỉ hưu 1993 ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ tịch Công đoàn huyện Krông Păk; Phó chử tịch kiêm Trưởng Công An xã Hòa Phong (Krông Bông); Bí thư Chi bộ xã Ea Ktur; Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Ana (khóa II).
Dù bất cứ trong hoàn cảnh công tác nào ông cũng luôn tâm niệm những gì có lợi cho Đảng, cho dân thì dù khó khăn gian khổ đến đâu, kể cả khi cái chết cận kề ông vẫn không nản lòng, sờn chí, ông Y Hợp Niê Kđăm xúc động kể lại: Vào lúc 16 giờ chiều một ngày tháng 4/1964, ông cùng một đồng chí khác đi họp Chi bộ, trên đường đi bị địch phục kích, khi địch nổ súng đồng chí đi cùng hy sinh, với mục đích bắt sống ông để khai thác, nên 3 tên địch từ dưới đường mương nhảy lên đánh “sáp lá cà” cùng ông, mặc dù trong tay chỉ có một chiếc xà gạc nhưng ông đã ngoan cường chiến đấu khiến địch không thể thực hiện được ý đồ, hai bên đánh nhau cả giờ đồng hồ, lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, ông chạy vào rừng rậm tránh sự truy đuổi của địch, vì thế địch bắn ông bị thương ở chân, tưởng rằng ông đã chết nên chúng không đuổi theo nữa, sau đó ông tự băng bó vết thương và dùng hai tay bò về đơn vị an toàn…
Năm 1969, khi chuyển về Cơ quan Dân vận tỉnh, đội công tác của ông được phân công hoạt động từ đồn điền Cada cho đến buôn Kotam, những địa bàn này chủ yếu là nơi công nhân sinh sống, ông luôn nắm vững phương châm: “Khó trăm lần không dân cũng chịu”, vì thế, đi đến đâu ông cũng vận động xây dựng hàng chục cơ sở bí mật, nhờ vậy, mỗi khi địch đi truy lùng đội công tác được dân che chở an toàn tuyệt đối…
Trở về cuộc sống đời thường, lại mang trong mình những vết thương ông Y Hợp Niê Kđăm tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên. Năm 1995, khi chuyển về sống ở buôn Chàm A (Cư Đrăm), ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ buôn, trên cương vị mới ông luôn đau đáu một điều: Là một buôn căn cứ cách mạng, nhưng lực lượng đảng viên quá mỏng, ngoài 5 đồng chí đang công tác và nghỉ hưu thì đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số tại chỗ chưa có ai, vì thế ông đã bàn bạc với Chi bộ mạnh dạn bồi dưỡng lý tưởng cho lớp trẻ để họ phấn đấu trở thành đảng viên, trong 7 năm là Bí thư, Chi bộ cuả ông đã giới thiệu kết nạp được 12 đảng viên, hầu hết đều trưởng thành và giữ trọng trách quan trọng từ xã đến huyện.
Cũng trong thời gian này, ông Y Hợp Niê Kđăm cùng với Chi bộ đã vận động người dân xóa bỏ tập tục chăn nuôi gia súc thả rông, phát triển kinh tế vườn…ông gương mẫu trong việc bảo tồn những phong tục tốt đẹp, mặc dù gia đình có điều kiện để làm nhà theo kiến trúc mới, nhưng ông vẫn xây dựng nhà sàn truyền thống cho mọi người noi theo.
Giờ đây, do tuổi cao, sức yếu ông xin nghỉ sinh hoạt định kỳ, nhưng mọi việc quan trọng của buôn, khi Bí thư Chi bộ đến tham khảo ông đều tham gia đóng góp nhiều ý kiến mang tính khả thi để Chi bộ lãnh đạo nhân dân trong buôn thực hiện .
Bà H Trang Niê Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm nhận xét: Đ/c Y Hợp Niê Kđăm là một cán bộ lão thành cách mạng, 60 năm tuổi Đảng, đ/c luôn là tấm gương về lòng trung thành, tận tụy, suốt đời cống hiến vì lý tưởng của Đảng và sự phát triển của quê hương, là một nhân chứng sống cho thế hệ trẻ học tập và noi theo./.
Mai Viết Tăng