Triển vọng từ dự án nuôi tôm càng xanh
Dự án nuôi tôm càng xanh do Trạm Khuyến nông Krông Bông triển khai thực hiện ở 2 xã Hòa Lễ và Khuê Ngọc Điền có 3 hộ tham gia với diện tích là 2.400 m2 . Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống,70% thức ăn và được hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi tôm, kinh phí được trích từ nguồn vốn ngân sách phân bổ cho hoạt động của Trạm năm 2022.
Ông Trần Minh Tân ở thôn 10 xã Khuê Ngọc Điền cho biết: Do đặc tính của Tôm càng xanh sống trong môi trường nước trong, không ô nhiếm, không độc hại, nguồn nước phải dồi dào, dễ dàng cấp thoát nước, sau khi tập huấn chuyển giao kỹ thuật được Trạm Khuyến nông chọn làm mô hình nuôi Tôm càng xanh, gia đình ông đã tiến hành nạo vét, tu sửa sạch sẽ bờ ao và tiếp nhận 10.500 con tôm giống từ Trạm Khuyến nông về nuôi trong ao rộng 700 m2 , trong quá trình nuôi tôm ông thường xuyên thay nước ao, thức ăn của tôm chủ yếu là cám viên công nghiệp với hàm lượng từ 25 -32%, khi tôm được khoảng từ 60 - 75 ngày tiến hành bẻ càng để giúp tăng kích cỡ tôm, tăng tỷ lệ sống và hạn chế tình trạng ăn lẫn nhau...
Tôm 85 ngày tuổi của gia đình ông Trần Minh Tân ở thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền
Theo quy trình kỹ thuật, trong điều kiện bình thường thời gian nuôi cho đến thu hoạch tôm là 180 ngày sẽ đạt bình quân 15con/kg, gia đình ông bắt đầu nuôi từ ngày 07/4/2022 đến nay, tuy mới 85 ngày nhưng trọng lượng trung bình 1 con tôm đã nặng 0,55 gram, tương đương gần 20 con/kg.
Tương tự, 2 gia đình ở thôn 3 Hòa Lễ thực hiện mô hình gồm ông Hoàng Ngọc Anh diện tích nuôi 1.200 m2 , gia đình ông Ngô Văn Hùng diện tích nuôi 500m2 , nhờ được các kỹ sư của Trạm Khuyến nông thường xuyên hướng dẫn cách đo nồng độ pH (potential hydrogen) và kiềm trong nước, kết hợp với việc thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, sau 3 tháng, trọng lượng cũng đạt bình quân 20 con/kg.
Ông Bùi Nhựt Tuân kỹ sư nuôi trồng thủy sản của Trạm là người trực tiếp phụ trách mô hình chia sẻ: Việc nuôi Tôm càng xanh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có từ lâu, nhưng đối với vùng Krông Bông thì vẫn còn mới lạ, cũng như bao dự án sản xuất khác, dự án này không nằm ngoài mục đích đem đến những mô hình sản xuất mới, hiệu quả. Từ đó, để người dân có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện canh tác của bản thân, đa dạng đối tượng cây trồng, vật nuôi, vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo vệ môi trường sản xuất. Vì thế, từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay, ông thường xuyên có mặt tại ao nuôi tôm của các gia đình, hướng dẫn cách nhận biết tôm lột xác, cách bẻ càng tôm không cho phát triển, hướng dẫn phòng bệnh cho tôm theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hầu hết các gia đình đã nắm thành thạo quy trình kỹ thuật nên các ao tôm phát triển tốt …
Mặc dù, chưa biết chính xác sản lượng của từng ao, nhưng với việc tôm lớn nhanh từng ngày và so với giá bán hiện tại dao động từ 200.000 đồng – 250.000 đồng/kg đối với loại 15 con/kg, các gia đình chắc chắn sẽ thu lợi nhuận cao.
Có thể nói, mô hình nuôi tôm càng xanh nước ngọt đang theo chiều hướng thuận lợi, hứa hẹn mang đến hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân./.
Mai Viết Tăng