Triển vọng từ cải tạo bò giống 3B ở huyện Krông Bông
Thực hiện Nghị quyết 04/NQ-HU của Huyện ủy Krông Bông về việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi, những năm gần đây cấp ủy, chính quyền ở địa phương đã triển khai mô hình nuôi bò hướng thịt (giống bò 3B), đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều gia đình ở huyện Krông Bông.
Huyện Krông bông hiện có gần 25.000 con bò, trong đó bò lai Sind, Zêbu, chiếm khoảng 40%. Để cải tạo đàn bò thịt thành bò lai F1 giống 3B, Trạm Khuyến nông Krông Bông đã lập đề án được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt và đầu tư kinh phí 100 triệu đồng để triển khai mô hình phối tinh nhân tạo giống bò 3B có nguồn gốc từ Bỉ cho 300 hộ nông dân ở các xã trong huyện, đây là giống bò hướng thịt, thích nghi tốt, tăng trọng nhanh, thịt ngon và hiệu quả kinh tế cao.
Để giúp người dân chủ động cải tạo con giống, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các địa phương phát tờ rơi tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và lợi ích từ việc phối tinh nhân tạo đến các hộ chăn nuôi, đồng thời, chọn những cán bộ thú y cơ sở có nhiều tâm huyết đưa đi đào tạo lớp sơ cấp về kỹ thuật phối tinh bò ở Bình Dương thời gian 3 tháng. Mặt khác, Trạm phân công cán bộ trực tiếp mở lớp tập huấn chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực chăn nuôi bò 3 B cho các hộ chăn nuôi.
Ông Trần Công Trường ở thôn 7, xã Hòa Sơn cho biết: Gia đình ông có nuôi 4 con bò cái, trước đây mỗi khi bò động dục, gia đình ông cho phối trực tiếp với bò đực giống địa phương hoặc bò lai Sind, bò Zêbu, những giống bò này tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, tỷ lệ thịt chỉ đạt dưới 50% so với trọng lượng. Sau khi tham gia lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông tổ chức, ông đăng ký tham gia và được chương trình dự án hỗ trợ kinh phí phối tinh bò giống 3B, chất lượng bò sinh ra cải thiện rõ rệt, mỗi con sơ sinh đạt từ 35 đến 40 kg/ con, nếu nuôi trong 6 tháng thì mỗi con bò phối tinh 3B trị giá là 20 triệu đồng, cao gấp hai lần so với bò giống khác…
Người chăn nuôi thôn 8, xã Hoà Lễ phấn khởi khi bò phối tinh sinh sản và trưởng thành
Ông Đỗ Văn Tùng ở thôn 8 Hòa Sơn phấn khởi: Gia đình ông chuyên nuôi bò thịt, trong chuồng thường có từ 20 đến 30 con, ông cũng đã từng nuôi nhiều loại bò thịt như: giống Zêbu, lai Sind, tuy trọng lượng có tăng hơn bò địa phương, nhưng vẫn không bằng bò giống phối tinh 3B, vừa qua ông chuyển sang nuôi một số bò thịt phối tinh giống 3 B, sau gần 3 năm ông đã xuất chuồng 1 con đạt trọng lượng gần 800 kg, với giá bán 65 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với loại giống bò khác. Với hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông sẽ tiếp tục phát triển đàn bò thịt giống 3B trong tương lai.
Còn bà Nguyễn Thị Nhung ở thôn 12, xã Hòa Lễ, năm 2020 gia đình bà được dự án hỗ trợ phối tinh giống bò 3B cho biết: Bò phối tinh giống 3B được nuôi ở trong chuồng không phải tốn công chăn thả, bò có sức đề kháng cao, không bị dịch bệnh, hàng ngày cho ăn hai lần, thức ăn là cám chăn nuôi trộn với cỏ voi hoặc phụ phẩm nông nghiệp rơm rạ… sau khi bò của gia đình bà được phối tinh giống 3B, đến nay đã đẻ được 3 con ( 2 con đực và 1 con cái), nhìn những con bê lớn nhanh từng ngày thích mắt lắm…
Ông Bùi Chí Vịnh giới thiệu bò sinh sản phối tinh sau khi nuôi 4 tháng đạt trọng lượng 140kg
Việc cải tạo đàn bò bằng phương pháp phối tinh nhân tạo ở Krông Bông đã phát triển từ năm 2006, chủ yếu là phối nguồn tinh Đông viên, những năm gần đây chuyển sang phối nguồn tinh Cộng rạ chất lượng cao hơn, tuy nhiên để cho ra một con bò F1 giống 3 B là cả một quá trình bền bỉ. Ông Bùi Chí Vinh Cán bộ Khuyến nông Huyện, là người trực tiếp phụ trách dự án chia sẻ: Với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ thì không đủ điều kiện để mua một con bò đực giống 3B, vì giá thành rất cao, do đó, song song với việc cùng với các hộ chăn nuôi chọn những con bò cái lai Zêbu, Angus (bò vằn) hoặc Charolai (kem Pháp) làm những con cái nền phối tinh với giống bò 3B để tạo nên những con bò giống F1, F2 có chất lượng, góp phần cải tạo đàn bò của huyện, trạm cũng vận động các hộ chăn nuôi đẩy mạnh phát triển nuôi bò thịt có nguồn gốc lai giống 3B, vì giống 3B không chỉ hàm lượng thịt đạt trên 65% so với trọng lượng, mà hiệu quả kinh tế cao gấp hơn 2 lần. Do nguồn vốn hỗ trợ ban đầu có hạn nên từ năm 2019, đến nay toàn huyện đã có 310 hộ chăn nuôi được thụ hưởng từ chương trình dự án, vượt kế hoạch 10 hộ.
Với những kết quả đó, có thể thấy nuôi bò lai 3B là hướng phát triển trong chăn nuôi đầy hứa hẹn, giúp cải tạo giống bò địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết sau khi tinh giống nhập về phải được bảo quản trong bình chuyên dụng âm 185 o C – âm 190o C, giá thành một bình chuyên dụng trên 50 triệu đồng/ một bình, người chăn nuôi chưa đủ điều kiện trang bị. Vì thế, để phát triển đàn bò theo hướng thịt ở Krông Bông rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các cơ quan chuyên môn./.
Mai Viết Tăng