Triển vọng của mô hình trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng ở huyện Krông Bông
Nấm Linh chi là dược liệu được Đông y xếp vào nhóm các thảo dược quý có vị đắng, tính hàn, quy vào bốn kinh gồm Tâm, Phế, Can, Thận... Chủ trị bệnh gout, mất ngủ, tiểu đường, hen suyễn, viêm khí phế quản… Để tạo ra những cây nấm Linh chi đỏ phát triển trong điều kiện tự nhiên, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin ở huyện Krông Bông đã xây dựng mô hình “trồng Linh chi dưới tán rừng” và bước đầu mang lại hiệu quả vượt hơn sự mong đợi.
Những ngày này, dưới tán rừng keo lai 3 năm tuổi ở xã Cư Kty không khí diễn ra nhộn nhịp. bởi bà con xã viên của hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang thu nấm Linh chi đỏ sau hơn 3 tháng trồng và chăm sóc. Những cây nấm linh chi đủ tuổi, khoác trên mình màu áo nâu thẫm với nhiều dưỡng chất đang được thu hái cẩn thận.
Được biết, để xây dựng được mô hình này, năm 2022, những thành viên của Hợp tác xã đã đi đến Gia Lai học tập mô hình và mua 3.000 phôi về trồng thử dưới tán rừng keo lai thu được 80kg nấm tươi, tương đương 30 kg khô. Sau đó, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã phối hợp với Viện công nghệ Sinh học và Môi trường – Trường Đại học Tây Nguyên cử thành viên hợp tác xã tham gia đào tạo tại Viện, và cùng cán bộ của Viện về nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất đối với cây nấm linh chi đỏ tại mảnh đất Krông Bông. Đến tháng 4/2023, Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã chính thức đi vào sản xuất phôi nấm linh chi đỏ và tiến hành trồng 35.000 phôi nấm linh chi dưới 1ha rừng keo lai 3 năm tuổi. Trên diện tích 1ha, hợp tác xã đã tạo ra 17 luống đất theo phần trống giữa các hàng keo, mỗi luống dài 60 mét, rộng 1,5 mét. Bình quân mỗi mét vuông trồng từ 30-32 phôi nấm. Số lần thu của mỗi phôi nấm từ 2 đến 3 lần, thời gian cho mỗi lần thu khoảng 3 tháng, chu kỳ cho 01 vụ thường khoảng 09 tháng. Để cây nấm phát triển cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất, để tưới nước phù hợp, giúp cân bằng lượng nước cho nấm. Quanh trại được phủ lưới để đảm bảo đủ gió lưu thông nhưng giảm được bụi và côn trùng gây hại. Ông Đoàn Hữu Nhị, phụ trách kỹ thuật Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho biết: Trong thời gian chờ khai thác rừng keo thì chúng tôi tận dụng trồng nấm Linh chi, vừa tận dụng được quỹ đất vừa không để xảy ra tình trạng cháy rừng đồng thời tăng năng xuất cho cây keo. Bên cạnh đó trong quá trình chăm sóc nấm tăng độ ẩm, hỗ trợ rừng keo phát triển …tăng sinh khối cho rừng keo.
Ưu điểm khi trồng nấm linh chi trong rừng keo lai từ 03 năm tuổi trở lên là nền nhiệt độ luôn ổn định khoảng từ 28 -32oC. Và để duy trì độ ẩm trên dưới 8%, mỗi ngày cần tưới 02 lần, mỗi lần 5 đến 10 phút bằng béc phun sương, đảm bảo không để mặt đất bị khô, nắng nóng làm chai mặt phôi và tai nấm. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, vườn nấm đã cho thu được gần 850 kg nấm tươi, tương đương khoảng 400 kg nấm khô. Với mức giá hiện nay, bình quân mỗi ký nấm khô sẽ thu lãi khoảng 500 ngàn đồng. Bà Lê Thị Ái Phượng, Giám đốc Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin cho biết: Thông qua hợp tác xã các thành viên mới liên kết trao đổi kinh nghiệm với nhau. Lúc đầu rất khó khăn nhưng quá trình làm thì vừa làm vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau quảng bá tiêu thụ sản phẩm với mục đích cuối cùng là làm cho các thành viên an tâm sản xuất, tạo thu nhập ổn định cuộc sống. Đinh hướng trong thời gian tới là sau khi hợp tác xã hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định thì sẽ triển khai mô hình rộng hơn cho bà con nông dân cùng tham gia.”
Nấm linh chi đỏ là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, suy nhược thần kinh, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể nên còn được sử dụng để ngăn ngừa ung thư và hỗ trợ điều trị sau khi hóa trị, xạ trị… Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Bông có khoảng 4.500 hecta keo lai, chủ yếu là của người đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu phát triển được mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo tiền đề cho họ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Ông Võ Tấn Trực, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Krông Bông khẳng định: Qua mô hình trồng thí nghiệm nấm Linh chi dưới rừng Tràm thì thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất phù hợp cho cây nấm phát triển, đặc biệt huyện Krông Bông diện tích đất rừng Tràm rất lớn là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình. Vì vậy mà trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp sẽ tham mưu cho huyện nhân rộng mô hình này cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là những vùng trồng nhiều cây keo Tràm và bà con đồng bào dân tộc thiểu số để tăng thêm thu nhập cho các hộ dân ngoài việc sản xuất trồng rừng”.
Với hiệu quả bước đầu mà mô hình đem lại, trong thời gian tới huyện Krông Bông sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, để nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng nấm linh chi đỏ. Đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mô hình phát triển bền vững.
Ái Phương