Tiềm năng phát triển du lịch ở xã Cư Pui
Là xã vùng sâu của huyện Krông Bông, Cư Pui có nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, lịch sử văn hóa truyền thống và con người nơi đây để phát triển du lịch. Dù điều kiện phát triển kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, song trong những năm qua, xã Cư Pui đã rất nỗ lực đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, hướng đến phát triển một số loại hình du lịch ở địa phương.
Với quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào Ê Đê, M’nông, hướng đến phát triển loại hình du lịch văn hóa, năm 2013 xã Cư Pui lần đầu tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc giành cho 5 buôn đồng bào Ê Đê, M’nông rất thành công. Kể từ đó, hàng năm Cư Pui đều tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng. Hình thức, nội dung, cách thức tổ chức ngày càng được nâng lên. Cư Pui trở thành điểm đến của rất nhiều người quan tâm và yêu quý không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong huyện đến xem. Ông Châu Phan, Phó trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Krông Bông nhận xét: “Cư Pui là địa phương tổ chức thành công nhiều kỳ liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp xã. Đội cồng chiêng của xã Cư Pui cũng đã được chọn tham gia liên hoan tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội. Cư Pui có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nhất là mô hình du lịch Homestay”.
Hội thi văn hóa cồng chiềng của xã Cư Pui
Nhiều lễ cúng của người Ê Đê, M’nông bản địa được lãnh đạo xã Cư Pui đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, UBND xã Cư Pui đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông đầu tư phục dựng một số lễ cúng như: Cúng bến nước, cúng mừng lúa mới, cúng cầu mưa… Cùng với đó, làm rượu cần truyền thống được một số hộ đồng bào M’nông ở trong các buôn lưu giữ. Trong đó phải kể đến việc phát triển làm rượu cần của cô H’Jih Niê (buôn Khanh). Bình quân mỗi tháng cô H’Jih làm ra hơn 40 ché rượu cần loại 4 lít, 6 lít, 8 lít để cung cấp cho nhiều khách hàng ở các nơi. Rượu cần do cô H’Jih làm ra chất lượng rất tốt nhưng do chưa đăng ký được nhãn mác, thương hiệu, chưa giới thiệu rộng rãi nên cô H’Jih mới chỉ làm cầm chừng. Xã Cư Pui quyết định hỗ trợ thùng đựng sản phẩm, đăng ký nhãn mác với mong muốn sẽ bảo tồn, phát huy được rượu cần truyền thống của người M’nông Cư Pui, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, mua sản phẩm; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” Cư Pui cũng mạnh dạn chọn sản phẩm rượu cần để đăng ký.
Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc được nhiều người quan tâm. Tổ chức lần đầu vào năm 2011, với nhiều trò chơi văn hóa như chọi cù, ném còn, múa khèn, biểu diễn đàn tính, văn nghệ truyền thống, chợ thổ cẩm, chọi trâu, chọi bò… thu hút hàng chục ngàn người trong và ngoài huyện đến xem vào dịp Xuân về. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Do chưa có địa điểm an toàn nên 2 năm vừa qua, địa phương dừng hội chọi trâu, chọi bò. Hiện nay địa phương đang lựa chọn mặt bằng rộng, an toàn, phù hợp để làm địa điểm tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy hoạt động văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc và thu hút khách du lịch”.
Thác Đắk Tuôr - điểm du lịch sinh thái được nhiều người ưa thích
Cư Pui còn có lợi thế về thiên nhiên. Nằm ngay dưới dãy núi Cư Yang Sin hùng vĩ, dòng suối Đắk Tuôr uốn lượn qua những khe đá tự nhiên, nguyên sơ, ngay trong vùng lõi vườn quốc gia Cư Yang Sin, với nhiều giai thoại, truyền thuyết; Hang đá Đắk Tuôr, căn cứ của Tỉnh ủy Đắk Lắk trong thời gian kháng chiến chống Mỹ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Buôn Đắk Tuôr còn có Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê với nhiều hiện vật của anh hùng liệt sĩ Y Ơn được trưng bày. Trong buôn, người dân còn giữ được nhiều nhà sàn, ghế dài của người Ê Đê (Kpan), nhiều bộ chiêng đồng… Là khu sinh thái thiên nhiên nguyên sơ, kết hợp khu di tích lịch sử nên trong những năm qua, hang đá Đắk Tuôr, thác Đắk Tuôr, nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Y Ơn Niê đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch. Riêng tết Nguyên đán vừa qua đã có hơn 10 ngàn người về tham quan, du lịch.
Thiên nhiên, lịch sử văn hóa truyền thống và con người nơi đây là lợi thế để Cư Pui phát triển du lịch. Song để các loại hình du lịch mang lại hiệu quả, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, việc nâng cao nhận thức, kỹ năng làm du lịch của người dân, thì Cư Pui đang rất cần cấp trên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, các công trình phụ trợ; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các mô hình du lịch thiên nhiên, văn hóa, về nguồn đặc trưng ở xã căn cứ cách mạng.
Tùng Lâm