Thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 trong ký ức một người lính
Chiến thắng 30/4/1975 đã đi qua gần nửa thế kỷ, những người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc nay cũng đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, năm tháng sẽ qua đi nhưng có những thời khắc, sự kiện như một dấu ấn ghi đậm trong trí nhớ của người lính ngày ấy.
Tháng 12 năm 1966, tuy thấp bé chỉ cân nặng 39 kg, nhưng ông Trần Văn Minh sinh năm 1947, quê quán Duy Tiên-Hà Nam, hiện ở thôn 10 (Hòa Lễ- Krông Bông) đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu. Sau ba tháng huấn luyện, ông được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 25 trực thuộc Sư đoàn 304. Cuộc đời binh nghiệp của ông đã trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ, song những trận đánh ở Quảng Trị và thời khắc Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng là những ký ức không thể nào quên.
Là người lính quân y thuộc Tiểu đoàn độc lập của Sư đoàn 304, ông luôn có mặt cùng đồng đội ở hầu hết các chiến trường Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Con, Làng Bồ, Làng Cát…(Quảng Trị). Ông Minh nhớ lại: Theo kế hoạch, để mở đầu cho cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu thân 1968” ở Quảng Trị, ta sẽ đánh vào Khe Sanh nơi được xem là bức bình phong cho Quảng Trị… Đêm 20/01/1968, pháo binh của Sư đoàn bất ngờ khai hỏa liên hồi vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch, sau đó đơn vị ông và Trung đoàn 66 tung ra “một đòn chí mạng” tiêu diệt phần lớn sinh lực địch ở Tà Cơn và làm chủ Chi khu Hương Hóa…sau những chiến thắng vang dội ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ tham gia chiến dịch một bao thuốc Điện Biên và nhân dân Thanh Hóa gửi tặng bánh chưng ăn tết, món quà tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thật to lớn đã tiếp thêm sức mạnh cho anh em trong đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong một lần cứu chữa thương binh, có 1 đồng chí bị thương đứt động mạch chủ ở phần bẹn không thể băng bó, trước tình huống phức tạp, ông nhanh tay lấy vội 2 chiếc banh kẹp giữ hai đầu động mạch đứt để cầm máu, sơ cứu rồi chuyển về bệnh viện của Sư đoàn, với sáng kiến kinh nghiệm đó ông được Tư lệnh Sư đoàn khen thưởng đột xuất. Ngày 03/9/1969 ông vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Với ông Trần Văn Minh được tham gia và chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó ra quân về với gia đình là một điều kỳ diệu. Ông Minh xúc động: Ngày 27/3/1975 sau khi giải phóng Huế, đơn vị hành quân vào Đà Nẵng, lúc này binh lính địch rệu rã trút bỏ quân phục mặc vào thường phục, do không thông thạo địa hình, nên đơn vị đã vận động những tài xế cùng phương tiện của chế độ cũ, chở bộ đội ta đến những nơi cần đến, xe đi đến đâu cũng được đồng bào đứng hai bên đường tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào và mang hoa quả đến cho bộ đội.
Ngày 07/4/1975, toàn quân nhận được bức điện khẩn của Quân ủy Trung Ương do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thảo “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.”
Như một sứ mệnh thiêng liêng, cấp trên ra lệnh làm một cuộc hành quân thần tốc dọc theo duyên hải miền trung, chỉ hơn 11 ngày, đơn vị đã vượt qua hàng ngàn cây số đến Xuân Lộc (Đồng Nai). Tại đây, ông được trang bị 2 khẩu DKZ và một túi thuốc cứu thương nặng 7 kg, tác chiến theo cách đánh “sáp lá cà”, suốt 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, hai bên đều bị tổn thất lớn, trong lúc chiến đấu ông may mắn thoát chết nhờ kịp thời lăn vào ẩn nấp sau “Hòn đá cô đơn”, tránh được làn đạn của địch bắn trả…Sau khi ta làm chủ Xuân Lộc, đơn vị lại tiếp tục tiến về Sài Gòn, lúc này, ông là Thượng sỹ, Trung đội trưởng, trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 25 nhận được lệnh bố trí lực lượng bảo vệ bên ngoài dinh Độc lập…Hơn 4 tiếng đồng hồ hành quân thần tốc, sáng sớm ngày 30/4/1975 đơn vị ông đã có mặt tại địa điểm theo kế hoạch, nên ông được chứng kiến những diến biến từ khi Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh Sài Gòn, cho đến lúc nghe phát trên máy phóng thanh lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh.
Ông Trần văn Minh nói: Thời khắc đó, cảm xúc dâng trào không gì diễn tả được, những hình ảnh mọi người ôm chầm lấy nhau, vừa mừng vừa rơi nước mắt hô vang: “Bác Hồ muôn năm” “miền Nam giải phóng rồi” vẫn còn in đậm trong tâm khảm ông, bởi để có được những giây phút này phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao đồng bào, đồng chí và chiến sỹ…
Sau ngày giải phóng, đơn vị ông làm bảo vệ cho Ủy ban quân quản thành phố Hồ Chí Minh một thời gian ngắn rồi tiếp tục chuyển quân đến tổng kho Long Bình (Đồng Nai) thu chiến lợi phẩm.
Tháng 12/1976, ông ra quân về địa phương tham gia công tác cho đến năm 1987 đưa gia đình đi kinh tế mới tại xã Hòa Lễ (Krông Bông).
Ông đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba, Huân chương Chiến công hạng ba, Huy hiệu tham gia chiến dịch xuân Mậu thân 1968, Huy hiệu tham gia chiến dịch Xuân 1975 giải phóng thành phố HCM, huy hiệu Chiến sỹ thi đua cùng nhiều Huân huy chương cao quý khác./.
Mai Viết Tăng