Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 26/07/2024

Tháng 7 - Tháng tưởng nhớ và tri ân

 

Tháng Bảy về, chúng ta lại tưởng nhớ, biết ơn nhiều hơn những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh tính mạng, xương máu, hay cống hiến sức lực, trí tuệ và một phần thân thể cho đất nước. Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc và luôn biết ơn sâu sắc đến các mẹ Việt Nam anh hùng đã sinh ra những người con trung hiếu, anh dũng để đất nước được nở hoa độc lập.

Trong suốt chiều dài lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Trước những mất mát, hi sinh của các thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, trong suốt thời gian dài từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời con, cháu mai sau.

Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người con đã dành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Thấm nhuần đạo lý đó, những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân huyện Krông Bông triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như vận động toàn dân xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây  nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách gặp khó khăn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phụng dưỡng cha, mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn,…Những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh như: vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; chính sách chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng… được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, giải quyết hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn huyện có 562 Liệt sĩ, 250 thương, bệnh binh các loại và 65 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 3 mẹ còn sống. Huyện còn có 26 người bị nhiểm chất độc Đioxin và 31 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Vì vậy, hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), huyện đã xuất chi ngân sách bình quân 50 triệu đồng để trợ cấp cho gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, sức khoẻ yếu, bệnh tật hiểm nghèo, sống cô đơn không nơi nương tựa đã được địa phương phân công các đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ, góp phần hạn chế những khó khăn cho các gia đình chính sách, người có công.

Trong dịp này, các đồng chí lãnh đạo đã thành lập đoàn đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, các gia đình người có công trên địa bàn huyện. Tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện đều tổ chức lễ thắp nến tri ân - trở thành hoạt động thường niên tri ân các anh hùng liệt sĩ của đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đối với những chiến sĩ đã không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc. Riêng năm 2024, kỷ niệm ngày 27/7, huyện đã chuyển 798 suất quà của tỉnh và 756 suất quà của Chủ tịch nước đến tận tay người có công cách mạng với số tiền 469,2 triệu đồng; Thăm tặng quà cho 66 gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, Thương binh nặng 81% trở lên 66 suất, với số tiền 35,8 triệu đồng. Ngoài ra còn trích quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện để tặng 66 suất quà trị giá 500.000đ/suất cho các hộ gia đình người có công tiêu biểu. Huyện cũng đã vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được hơn 400 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 11 nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công, trong đó 3 hộ xây mới, 8 hộ sữa chữa, với tổng số tiền hỗ trợ 460 triệu đồng. Cùng với đó, nhiều tổ chức cá nhân có nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội.

77 năm đã trôi qua, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. “Đền ơn đáp nghĩa” tri ân liệt sĩ, thương binh trở thành một phong trào thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi dần được nâng lên, chính sách hậu phương quân đội được thực hiện kịp thời.

Những ngày tưởng niệm và tri ân vào dịp lễ trọng đại rồi sẽ qua đi, chỉ có tình cảm bền chặt dành cho những người có công với cách mạng là còn mãi. Những anh hùng liệt sĩ cứu quốc trở nên bất tử bởi vì họ trường tồn trong tâm khảm, trong ký ức, trong lòng những người đang sống, trong nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Sinh ra đã được hưởng thành quả từ sự hy sinh gian khổ ấy, vì vậy chúng ta phải cố gắng nhiều hơn, để góp sức mình xây dựng quê hương đất nước, xứng đáng hơn với máu xương cha ông đã đổ xuống trên các chiến trường.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang