Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 11/11/2020

Tận tụy với nghề dạy học

Với 30 tuổi đời và thời gian đứng trên bục giảng gần 8 năm, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hồng trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong) đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Ban giám hiệu,  đồng nghiệp và phụ huynh học sinh nơi công tác.

Ngay từ khi còn học phổ thông, những hình ảnh đẹp về người thầy với phấn trắng, bảng đen, vượt qua bao đoạn đường nắng bụi, mưa lầy, để mang con chữ đến với học sinh vùng sâu đã in sâu trong tâm trí của cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Hồng, từ đó cô hằng mơ ước sau này lớn lên sẽ được gắn bó với cái nghề cao quý nhưng cũng không kém phần gian nan ấy... Năm 2008, ước mơ đó đã trở thành hiện thực, sau khi tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Tây Nguyên, năm 2012 cô được nhận về dạy trường Tiểu học Lê Lợi (Krông Ana), sau đó cô được chuyển về dạy trường Tiểu học Kim Đồng (Krông Bông), đến năm học 2014 -2015 cô được điều động về dạy tại trường Tiểu học Cẩm Phong (Hòa Phong - Krông Bông) cho đến nay.

Một tiết dạy học tiếng Việt của cô giáo Nguyễn Thị Hồng

Thấm nhuần câu nói của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo nên những con người sáng tạo…” câu nói đó đã khẳng định vị thế của người thầy trong việc truyền đạt kiến thức, văn hóa, đạo đức cho thế  hệ tương lai.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô luôn trăn trở “dạy những gì học sinh cần, chứ không phải dạy những gì mình có”… nhiều năm cô được phân công dạy ở điểm trường đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch, việc đi lại khó khăn cùng với bất đồng ngôn ngữ, thế nhưng cô luôn nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học sao cho tốt nhất, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh.

Ngoài dạy theo chương trình sách giáo khoa, đối với những môn xã  hội, tiếng Việt cô Hồng còn tìm thêm nhiều tài liệu, sưu tầm hình ảnh để minh họa, tạo điều kiện cho các em có hứng thú trong học tập. Đối với môn Toán cô luôn chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức của  từng cá nhân học sinh, gợi ý để học sinh tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề, mỗi bài giảng của cô mang đến cho học sinh nhiều kiến thức mới…Không chỉ truyền đạt kiến thức, mà cô còn trang bị kỹ năng sống cho học sinh, thông qua các bài học đạo đức.

Đối với những học sinh cá biệt, một mặt cô liên hệ trực tiếp với phụ huynh để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tính nết của học sinh đó, mặt khác gần gũi ôn tồn khuyên bảo, hướng cho các em tự nhận lỗi sửa chữa, nhờ vậy có nhiều em từ học sinh cá biệt, thường xuyên nghịch ngợm nay đã trở nên ngoan ngoãn, biết vâng lời, siêng năng học tập như em Huỳnh Trung Thiện, em Đào Thanh Vân…

Cô Phan Thị Hoa, phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Cô Nguyễn Thị Hồng là một giáo viên trẻ nhiệt tình, năng nổ, do đặc thù trường có đến 31 lớp,  936 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 79%, để học sinh dễ tiếp thu và có hứng thú trong học tập, cô Hồng không chỉ là một trong số những người đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin mà còn sử dụng nhiều hình ảnh sinh động gắn với thực tiễn để truyền đạt, những lớp cô được phân công giảng dạy đều có học sinh khá, giỏi chiếm tỷ lệ cao. Đối với đồng nghiệp cô là một người hòa nhã, biết lắng nghe và biết chia sẻ những kinh nghiệm, được mọi người thương mến…

Hiện nay, cô là tổ trưởng chuyên môn khối lớp 4 (gồm 6 lớp) của nhà trường, tuy mới về trường hơn 5 năm, nhưng cô đã có 4 năm được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường, năm học 2018-2019 cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện được xét đặc cách đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Hai năm liền (năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019) cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Cô Hồng cũng là báo cáo viên của huyện về thay đổi sách Giáo khoa lớp 1 theo  chương trình giáo dục phổ thông 2018./.

                                                                                      Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang