Tấm lòng thơm thảo của người y sỹ già
Để chuẩn bị thực lực đánh bót buôn MNganh (thường gọi là buôn Khanh) lần thứ lần thứ hai (năm 1961), tháng 8/1961 khi mới tròn 16 tuổi bà H Loan Êban (thường gọi Ađuôn Dược) sinh ra ở buôn Tơng Rang (xã Cư Drăm) thoát ly tham gia cách mạng và được đào tạo khóa cứu thương cấp tốc 15 ngày. Khi chiến sự xảy ra, bà được điều động sơ cứu thương binh ngay tại chiến trường, với năng khiếu bẩm sinh và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ bà đã làm tốt công việc được giao.
Ngày 16/7/1963 bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử ra Bắc học lớp Y sỹ, do sức khỏe chỉ đạt loại B nên sau khi tốt nghiệp bà được tiếp tục cử đi học lớp Bác sỹ, nhưng trong lòng bà luôn đau đáu một điều sớm được trở lại miền Nam để có cơ hội góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, qua nhiều lần thử thách, cấp trên đã đồng ý cho bà vào Nam chiến đấu và được biên chế về Bệnh xá B2 (Tỉnh Đăk Lăk), lúc này tình hình sức khỏe của Bác sỹ Bệnh xá trưởng giảm sút, nên mọi công việc tại Bệnh xá bà được bác sỹ Bệnh xá trưởng ủy quyền quán xuyến, nhờ hàng ngày trực tiếp chăm sóc chữa trị cho thương binh tay nghề của bà cũng được nâng lên.
Bà H Loan Êban chia sẻ những kỷ niệm trong nghề y sỹ
Bà nhớ lại: Năm 1970, trong một lần địch đi càn, bệnh xá B2 có 30 thương binh đều cụt chân hoặc cụt tay, bản thân bà đang mang thai đứa con đầu lòng tháng thứ 7, nhưng để bảo toàn lực lượng và hồ sơ, tài liệu, bà đã thu gom rồi gùi trên lưng toàn bộ tài liệu mật và hồ sơ bệnh án cùng thương binh vượt núi Cư Đrăm, trên đường sơ tán bà bị lạc phải ngủ trong rừng một đêm, nhưng cuối cùng mọi người cũng đến nơi an toàn.
Năm 1972, khi chuyển về H9 (Krông Bông) bà được bầu làm Huyện ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy H9 (khóa II).
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, bà giữ chức vụ Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện Krông Păk và năm 1977 bà là Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Păk.
Đối với bà H Loan Êban được làm công việc chuyên môn là một nguyện vọng chính đáng, nên từ năm 1981 đến năm 1993 thể theo nguyện vọng, bà được chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Phong rồi đến xã Ea Tiêu.
Khi về nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Y tế xã Hòa Phong cũng là lúc dịch tả lỵ lan rộng, đã nhiều người tử vong, người dân hoang mang, dao động, với tư duy nhạy bén của người thầy thuốc, bà H Loan Êban đã kịp thời đề nghị huyện thành lập bệnh xá dã chiến tại xã Hòa Phong, ngày đêm có mặt ở tuyến đầu chống dịch, đồng thời bà cũng phân công nhân viên trong trạm sử dụng cây thuốc nam điều chế thuốc chữa tả lỵ, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn tình hình dịch được khống chế. Trong công tác chuyên môn, bà là người “mát tay” nhiều ca bệnh rất nặng nhưng khi đến tay bà đều nhanh chóng khỏi bệnh.
Năm 1995 về nghỉ hưu tại buôn Chàm A (Cư Đrăm) nhìn thấy bà con trong các buôn làng còn khó khăn, thuốc men dạo ấy cũng chưa nhiều, bà đã dùng 4 chỉ vàng dành dụm cho gia đình phòng khi có việc cần chi tiêu để mua thuốc về chữa trị cho bà con trong buôn và các buôn lân cận mà không lấy tiền, trong ngôi nhà nhỏ của bà lúc nào cũng đông người bệnh, nhiều thai phụ đẻ khó nhờ “bàn tay vàng” của bà đỡ đẻ mà “mẹ tròn, con vuông”, cá biệt có những người bệnh “thập tử nhất sinh” nhưng khi người nhà đến nhờ bà chữa trị bà vẫn không từ chối.
Bà chia sẻ một kỷ niệm khó quên trong nghề đó là: Năm 1998, bà Amí Noen ở buôn Tơng Rang (Cư Đrăm) bị sơ gan cổ chướng, một căn bệnh hiểm nghèo, ngày ấy trình độ nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế, nhiều người sợ hãi không dám đến gần, thế nhưng bằng lương tâm của một thầy thuốc bà đã dốc lòng cứu chữa cho bà Amí Noen thuyên giảm bệnh và sống thêm 8 năm sau mới qua đời, hay trường hợp ông Ai Lúa buôn Chàm B bệnh tình “ngàn cân treo sợi tóc” được bà chữa trị khỏi bệnh…
Với 76 tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng, sự ân cần và tấm lòng thơm thảo của người thầy thuốc già ngày ấy vẫn luôn được bà con trong các buôn làng nhắc lại với sự kính mến, bà H Loan Êban là tấm gương sáng về “lương y như từ mẫu” cho các thế hệ trẻ noi theo./.
Mai viết Tăng