Tấm lòng của những người “gieo hạt”
“Tình nhân ái là vô biên, tấm lòng từ thiện là vô hạn”, đứng trước những cảnh đời khốn khó, những hoàn cảnh bệnh tật, những mảnh đời cơ nhỡ trong cuộc sống, nhiều cô giáo ở vùng sâu Krông Bông không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn có tấm lòng thiện nguyện được mọi người thương yêu.
Năm 2004, về nhận công tác ở trường Trung học cơ sở Hòa Phong (Krông Bông), một ngôi trường vùng 3 có 40% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số Êđê, Mnông và đồng bào Mông đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Các thầy, cô luôn thấu hiểu và tự nhủ lòng phải làm gì đó để giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập nói riêng và đồng bào nghèo trong huyện cải thiện cuộc sống nói chung.
Với ý nghĩ đó, tháng 7/2019, là một nhà giáo, một đảng viên trẻ cô Nguyễn Thị Chung đã thông qua Hội Chữ thập đỏ Huyện, vận động thành lập nhóm Thiện nguyện với tên gọi “Hiểu và Thương”, từ chỗ chỉ có 2 thành viên đến nay phát triển lên đến 19 thành viên, tróng đó: có 9 thành viên là giáo viên, viên chức các trường như: cô Nguyễn Thị Chung giáo viên, cô Lê Thị Kim Liên nhân viên y tế THCS Hòa Phong, cô Trần Thị Yến giáo viên Mẫu giáo Cư Pui, cô Trần Thị Hồng Nhung, cô Ngô Thanh Tú Giáo viên, cô Lý Phương Thảo nhân viên Thư viện trường THCS Cư Pui, cô Trần Thị Túy Phượng giáo viên THCS & Tiểu học Hòa Lễ…
Ban đầu, mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, các cô tự đóng góp bằng đồng tiền lương ít ỏi của mình, sau này để có kinh phí làm việc thiện, Nhóm kêu gọi, vận động quyên góp từ những cá nhân, tập thể có lòng hảo tâm, số tiền quyên góp cũng như chi phí thực hiện sau mỗi hoạt động đều được “công khai, minh bạch” trên trang Facebook, đối với quyên góp cho những hoàn cảnh bất hạnh, Nhóm chỉ đóng vai trò là “cầu nối”, kinh phí đều được chuyển trực tiếp đến địa chỉ hoặc vào tài khoản của gia đình người được thụ hưởng. Từ đó, không chỉ tạo được lòng tin đối với các nhà hảo tâm, người dân mà còn lan tỏa và nhân thêm nhiều hành động đẹp trong cộng đồng.
Trong 3 năm qua, Nhóm “Hiểu và Thương” tổ chức nhiều chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, giúp đỡ được nhiều học sinh nghèo trên địa bàn huyện Krông Bông tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường như: Tặng xe đạp, trao học bổng, tiếp bước đường dài cho học sinh nghèo, tặng sách giáo khoa, tập vở, áo ấm… với tổng giá trị 488.379.000 đồng.
Năm 2021 dịch Covid bùng phát ở nhiều nơi, mặc dù các cô giáo phải tập trung chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ dạy và học, nhưng sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ người khác của những nhà giáo thiện nguyện vẫn bền bỉ. Nhóm đã vận động 2 đợt được 3 tấn rau củ quả, trị giá 20 triệu đồng ủng hộ bà con Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Hỗ trợ người dân bị cách ly trên địa bàn huyện 3 đợt, với số tiền 124.884.000 đồng. Tặng 6.410 kg gạo cho học sinh 4 trường trong huyện, với số tiền 76.920.000 đồng. Hỗ trợ 1.000 ly sữa cho trẻ em vùng cách ly trị giá 13.750.000 đồng. Hỗ trợ 36 ca bệnh nặng điều trị tuyến tỉnh và huyện 245.722.000 đồng.
Đặc biệt, trong 3 năm qua, Nhóm đã vận động kịp thời sẻ chia, sưởi ấm hàng chục mảnh đời bất hạnh, với tổng số 1tỷ 741.280 đồng.
Bà H Bê Mkang, 30 tuổi, dân tộc MNông ở buôn Cư Drăm (xã Cư Drăm) xúc động: Gia đình bà gồm 2 vợ chồng và 3 người con, hoàn cảnh gia đình nghèo, chồng bà là Y Nơ Mdrang, 29 tuổi phải đi làm công nhân ở Tây Ninh, chẳng may ngày 25/3/2022 đột quỵ qua đời, mọi chi phí thuê xe chuyển xác về nhà và chôn cất đều không có, giữa lúc khốn cùng thì gia đình tôi được các cô trong nhóm Hiểu và Thương quyên góp trao tặng 43.100.000 đồng, Tôi rất biết ơn các cô trong nhóm Hiểu và Thương.
Ông Dương Văn Tu ở thôn Ea Hlang (Cư Pui), gạt nước mắt bày tỏ: Gia đình mình nghèo lắm, 3 đứa con lớn đã lập gia đình, đứa thứ tư học lớp 8 phải nghỉ học, vừa rồi vợ tôi là Hoàng Thị Chậu 41 tuổi, khi sinh đứa thứ 8 bị băng huyết chết, để lại đứa bé trai không sữa bú, may mắn sau đó nhờ có tấm lòng nhân ái của các cô giáo, vận động quyên góp cho gia đình tôi được 11.150.000 đồng để chôn cất vợ và có tiền mua sữa cho con…
Cám cánh với trường hợp em Đào Văn Hồng ở thôn Ea Khiêm (Hòa Phong) bố mất sớm, mẹ tâm thần mãn tính, mới 16 tuổi em trở thành trụ cột trong gia đình gồm 4 người, trong lúc đi làm bị rắn cắn, nọc độc lan cả bàn tay, Nhóm đã vận động quyên góp cho em 11.350.000 đồng để đi điều trị…
Hay trường hợp gia đình ông Y Mơi Êban, dân tộc Êđê, ở buôn Tliêr (Hòa Phong) có 3 người con thì 2 người bị bệnh xương thủy tinh, hàng ngày em Y Quê Niê được các bạn bế đi học, cảm thông với hoàn cảnh của em, Nhóm đã hỗ trợ cho em toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập từ năm học lớp 2 đến nay lớp 6, hỗ trợ một chiếc xe đạp để gia đình chở em đi học, đồng thời hỗ trợ 11 triệu đồng để điều trị cho người em cũng đang bị bệnh xương thủy tinh …và còn rất nhiều gia đình khác không có tiền mai táng cho người thân, được nhóm kêu gọi giúp đỡ lên đến 50 triệu đồng, cá biệt có gia đình được trên 100 triệu đồng…
Điều đáng trân trọng hơn ở các cô giáo trong nhóm thiện nguyện “Hiểu và Thương” là sự khiêm tốn, lặng lẽ, chứa đựng cốt cách của một nhà giáo. Cô Nguyễn Thị Chung hiện là Phó trưởng nhóm chia sẻ: Là một nhóm thiện nguyện thuộc Hội Chữ thập đỏ, những việc làm của Nhóm xuất phát từ cái tâm như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được giảm bớt đau thương cho họ”./.
Mai Viết Tăng