Quả ngọt trên vùng đất khó
Năm 1983, rời quê hương Hải Dương, ông Bùi Trọng Quát sinh năm 1955 đưa gia đình vào lập nghiệp ở thôn 10, xã Hòa Sơn (Krông bông - Đăk Lăk). Một vùng đất chỉ thích hợp với việc trồng cây lương thực, vậy mà suốt bao nhiêu năm nhọc nhằn trên vùng đất khó, hết loay hoay với cây lúa, cây ngô lại đến cây sắn, cái điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” diễn ra theo chu kỳ hàng năm làm cho cuộc sống của người nông dân luôn gặp khó khăn, song chuyển đổi sang trồng cây gì thích hợp lại là bài toán khó chưa có lời giải.
Nhân một lần về thăm quê, ông Quát mang vài cây vải thiều giống vào trồng ở trong vườn, kết hợp với một số loại cây ăn quả khác, sau ba năm trồng thử, điều khiến cho ông ngạc nhiên là mặc dù khí hậu ở Tây Nguyên nắng nóng hơn miền Bắc, nhưng cây vải thiều vẫn phát triển tốt và cho quả ngọt, ngay vụ đầu tiên mỗi cây cũng cho thu về trên một triệu đồng.
Tuy nhiên, để mở rộng diện tích đòi hỏi phải am hiểu thổ nhưỡng và nắm vững kỹ thuật, rồi như một “cơ duyên” ông gặp được ông Trà Duy Khương, cán bộ kỹ thuật ở thôn 3 xã Khuê Ngọc Điền nhận lời tư vấn. Cái gút thắt đã được mở, tháng 10 năm 2016 ông quyết định chuyển đổi 2 ha trồng sắn kém hiệu quả sang trồng 400 cây vải thiều… nhờ thường xuyên có mặt cán bộ kỹ thuật tại vườn để tư vấn nên 400 cây vải phát triển đều và tốt.
Ông Trà Duy Khương cán bộ tư vấn ký thuật cho ông Quát chia sẻ: Cây vải thiều tuy là loại cây không kén đất, có thể trồng được ở nhiều vùng đất kém dinh dưỡng, nhưng nó thích hợp với thời tiết lạnh, vì thế muốn cho ra quả đồng loạt và đúng thời vụ thì đòi hỏi phải phân hóa mầm hoa, bón phân hài hòa giữa đa vi lượng và trung vi lượng, lượng nước tưới chỉ cần vừa đủ… đặc biệt cần hạn chế việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật để cho ra sản phẩm sạch…
Ông Bùi Trọng Quát bên vườn vải chuẩn bị thu hoạch
Đến nay, chỉ sau hai năm rưỡi trồng tỉa và chăm sóc, 2 ha vải thiều của gia đình ông Quát đã cho quả và chuẩn bị bước vào thu hoạch. Ước tính vụ đầu tiên này gia đình ông sẽ thu được trên 10 tấn quả, với giá bán hiện tại 50.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí ông cũng lãi ròng gần 300 triệu đồng.
Việc mở rộng diện tích trồng vải thiều của ông Quát không chỉ phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 1 lao động và 3 lao động thời vụ, với mức lương bình quân 3, 5 triệu đồng/ người.
Từ hiệu quả mô hình trồng vải của ông Quát, nhiều hộ dân quanh vùng ở thôn 7 Hòa Sơn đã chuẩn bị đất, gặp gỡ nhờ Anh Khương cán bộ kỹ thuật tư vấn để chuyển đổi số diện tích kém dinh dưỡng sang trồng vải… riêng gia đình ông Quát năm nay sẽ trồng thêm 1 ha vải.
Khi hỏi về dự định trong tương lai, ông Quát cho biết: Đối với cây vải thiều không còn xa lạ với người dân ở một số nơi khác trong tỉnh, nhưng ở Krông Bông thì đây là một cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì thế ông mong muốn từ mô hình trồng vải của gia đình ông, sẽ được nhân ra diện rộng để hình thành vùng chuyên canh thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ và góp phần vào việc chuyển đổi cây trồng trên vùng đất khó, đồng thời ông cũng mong muốn sớm được liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra.
Viết Tăng