Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở xã Cư Pui
Là một địa phương vùng sâu, đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, song những năm qua, người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng các công trình như sân chơi thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, đường giao thông...
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, người dân ở các thôn, buôn của xã Cư Pui đã hiến hơn 20.000 m2 đất và hàng ngàn cây cà phê, cao su và cây trồng các loại để làm đường giao thông liên xã, giao thông nội vùng của các dự án. Riêng năm 2018, người dân đã hiến 13.403 m2 đất màu, 411 cây cà phê, 300 m2 cây sắn. Nhiều nhất là thôn Ea Bar, 61 hộ dân trong thôn đã hiến 11.550 m2 đất màu, 368 cây cà phê và 300 m2 cây sắn để làm đường liên xã Cư Pui đi Cư Đrăm. Phần lớn những gia đình hiến đất đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Song họ đã ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của gia đình trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Gia đình anh Sùng Văn Phìn (dân tộc Mông) ở thôn Ea Bar thuộc hộ nghèo. Khi có chủ trương làm con đường bê tông liên xã cắt ngang khu vườn cà phê của gia đình anh, anh đã tình nguyện hiến gần 300 m2 đất và 50 cây cà phê trồng năm thứ 2 để làm đường. Anh Phìn chia sẻ: “Hai vợ chồng mới ra ở riêng và được bố mẹ cho ít đất trồng cà phê. Cuộc sống còn vất vả, thiếu thốn lắm nhưng khi lãnh đạo địa phương vào tận nhà vận động hiến đất để làm đường thì gia đình mình đồng ý ngay. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư làm con đường bê tông đi qua thôn người dân thôn Ea Bar ai cũng vui mừng”.
UBND xã Cư Pui tặng giấy khen cho những gia đình hiến
Nhiều gia đình đã hiến những mảnh đất rất có giá trị để xây dựng các công trình phúc lợi như xây trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao. Anh Hoàng Văn Hầu (dân tộc Mông) ở thôn Cư Rang đã hiến hơn 2 trăm mét vuông đất thổ cư mới mua ở thôn Ea Uôl để địa phương di dời điểm trường Mầm non đến nơi trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu đi học gần. Hay gia đình ông A Ma Nhí (dân tộc M’nông) ở buôn Khanh cũng vậy. Nhà nghèo, đất sản xuất ít, gia đình có mảnh rẫy bên lối đi qua suối. Trước đây người dân đi làm rẫy qua đây không có đường. Ông đã cùng một số hộ dân hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường. Riêng gia đình ông đã hiến 235 m2. Giờ đây, hàng chục hộ dân đi làm rẫy qua đây đã có con đường rộng rãi để đi. A ma Nhí phấn khởi chia sẻ: “Được sự phân tích, tuyên truyền và vận động của chính quyền địa phương, gia đình đã giành một phần đất canh tác để địa phương làm đường cho người dân có lối đi. Giờ mọi người có thể đi xe máy, chạy xe công nông qua để vận chuyển nông sản về nhà”.
Có thể nói, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi, công trình dân sinh của địa phương đã trở thành phong trào của người dân các thôn, buôn ở xã Cư Pui. Chỉ trong 3 năm gần đây đã có hơn một trăm hộ gia đình hiến đất. Trong đó, 26 hộ dân buôn Đắk Tuôr đã hiến 2.170 m2 đất màu; 10 hộ dân thôn Điện Tân hiến 986 m2 đất màu và 28 cây cà phê; 7 hộ dân buôn Lắk hiến 759 m2 đất màu, 15 cây cà phê; 4 hộ dân buôn Khanh hiến 1.207 m2 đất màu, 61 hộ dân trong thôn Ea Bar đã hiến 11.550 m2 đất màu, 368 cây cà phê và 300 m2 cây sắn, hàng chục hộ dân ở các thôn Ea Uôl, Cư Rang, Ea Lang hiến hơn 3.000 m2 đất màu, hàng trăm cây cà phê… để làm 8 km đường liên xã và 22 km đường trục giao thông thôn, buôn. Có được sự đồng thuận và kết quả này là sự nỗ lực, sáng tạo của cấp Ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể ở xã Cư Pui và đội ngũ cán bộ thôn, buôn trong công tác tuyền truyền, vận động, thuyết phục người dân. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Khi người dân chưa nắm được chủ trương, chưa thấu hiểu được lợi ích mà các công trình mang lại thì người dân chưa thực sự đồng tình, ủng hộ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nên người dân Cư Pui rất đồng tình, ủng hộ. Không những gia đình có điều kiện, những hộ còn rất khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khi đã đồng thuận thì họ sẵn sàng hiến đất, góp đất, phá bỏ hoa màu, đóng góp tiền bạc, công sức để làm đường, làm trường học, làm các công trình phúc lợi mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào”.
Tùng Lâm