Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 16/10/2020

Phát huy vai trò Phụ nữ đồng bào Dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, hầu hết theo chế độ mẫu hệ, ngườì phụ nữ có vị trí đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ xã hội, từ việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, quyết định các vấn đề hệ trọng như cưới xin, mừng thọ, ma chay…cho đến việc phát triển kinh tế gia đình.

Ngày nay, trong quá trình giao thoa với các cộng đồng dân tộc khác, cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, đã tác động không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận gia đình trẻ, những gia đình hạt nhân dần thay thế cho gia đình có nhiều thế hệ sống chung trong một ngôi nhà dài, việc “thuận vợ, thuận chồng” bàn bạc thống nhất trước khi thực hiện một công việc nào đó ngày càng phổ biến, tuy nhiên việc quyết định cuối cùng, cũng như quản lý kinh tế gia đình vẫn phụ thuộc người phụ nữ.

Vì thế, bất kỳ trong thời kỳ nào vai trò của người phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Êđê, M Nông…luôn là nhân tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương, cần được tôn trọng và phát huy mạnh mẽ.

Bà H Van Liêng năm nay 40 tuổi, dân tộc MNông, ở buôn Za (Hòa Sơn) cho biết: Là vợ chồng trẻ, mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình vợ chồng mình đều bàn bạc, trao đổi với nhau, nếu chồng đưa ý kiến một việc nào đó mà mình thấy chưa hợp lý thì mình không đồng ý. Ví dụ như trước đây chồng mình nói mua bò về chăn nuôi, nhưng mình thấy giống bò địa phương nuôi vừa tốn công chăn dắt, lại lâu lớn, ít mang lại hiệu quả kinh tế …Năm 2015, mình được Khuyến nông Huyện giới thiệu mô hình nuôi bò lai nhốt chuồng, mình đề nghị chồng tham gia lớp học kỹ thuật chăn nuôi do Trung tâm dạy nghề Huyện tổ chức, xây dựng chuồng trại, dành 2.000m2 đất trồng cỏ và mua 2 con bò lai Bôr về nuôi, kết hợp nuôi bò nhốt chuồng với nuôi heo nái, đào ao nuôi cá và nuôi thêm gà, vịt để cải thiện bữa ăn…đến nay, đàn bò phát triển lên 6 con, đàn heo nái 8 con, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi trên 60 triệu đồng, 3 đứa con của mình đều ăn học đến nơi đến chốn, đứa con trai lớn đang là sinh viên năm 3 Đại học Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy.

Bà H Van Liêng, buôn Za, xã Hoà Sơn.

Còn bà H Phunh Niê (thường gọi là Amí Hoa) ở buôn ĐăkTuôr, xã Cư Pui, tuy năm nay ở tuổi 75, nhưng bà luôn là người “đứng mũi chịu sào”, mọi việc trong gia đình bà tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, khi 4 người con có gia đình ra ở riêng, bà quyết định chia cho mỗi người từ 2 đến 3 ha đất để sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn cho con, giáo dục cho con biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, đến nay kinh tế của cả 4 người con và gia đình bà luôn phát triển ổn định, bà là tấm gương điển hình được mọi người trong buôn mến phục…

Còn bà H Uôn Byă (thường gọi Ami Linh) 52 tuổi, ở buôn Ngô B (Hòa Phong) chồng qua đời cách đây 21 năm, thế nhưng bà không tái giá, với vai trò  trụ cột gia đình bà Ami Linh rất tháo vát, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi và bán tạp phẩm trong buôn, một mình bà đã chèo lái cả gia đình 5 miệng ăn, nhưng kinh tế luôn phát triển ổn định, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, xây dựng nhà cửa khang trang, 3 đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn (trong đó có 1 bác sỹ). Ngoài ra bà còn tham gia công tác ở địa phương gần hai mươi năm mới nghỉ.

Tuy vậy, sự chênh lệch về đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Krông Bông so với các vùng khác còn khá cao.

Qua rà soát hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều năm 2020, trong toàn huyện Krông Bông là 6.443 hộ, chiếm tỷ lệ 28,39%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số tại chỗ là 2809 hộ, tỷ lệ 53, 29% so với tổng số hộ DTTS tại chỗ; chiếm 43,59% so với tổng số hộ nghèo của huyện, trong đó có nhiêù nguyên nhân nghèo, nhưng có một nguyên nhân sâu xa là vai trò của người phụ nữ trong gia đình đang dần bị lu mờ.

Để phát huy vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ trong thời kỳ mới, thiết nghĩ Hội Phụ nữ ở cơ sở, cần xây dựng các Câu lạc bộ, hàng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho chị em về vị trí ngườì phụ nữ trong chế độ mẫu hệ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới–đô thị  văn minh”.

Tạo điều kiện để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ được tham gia tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, đồng thời tổ chức cho chị em được tham quan, học tập những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả, để vận dụng vào gia đình mình.

Khi triển khai truyền dạy đánh chiêng, dệt thổ cẩm cho lớp trẻ, thì đơn vị tổ chức không chỉ thông qua chủ hộ nam giới như thường làm, mà cần tác động trực tiếp đến người chủ thực sự trong gia đình là phụ nữ, có như vậy thì việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mới mang lại hiệu quả./.

Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang