Nữ Đảng viên giỏi nghề phụ sảnvà “hát Khap Đang, múa sạp
Hàng chục năm nay, người dân thôn Dhung Knung (Cư Pui) đã quá quen thuộc với một nữ Đảng viên, bà không chỉ là một nữ hộ sinh có “bàn tay vàng” mà bà còn được biết đến là người luôn nặng lòng với văn hóa Mường,Thái, đó là bà Lộc Thị Vinh, dân tộc Mường, năm nay 73 tuổi, 55 năm tuổi Đảng.
Bà sinh ra và lớn lên ở xã Nam Động, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, một vùng quê miền núi, hầu hết là đồng bào dân tộc Mường, Thái…trình độ dân trí còn hạn chế, ngày ấy sản phụ cũng chưa có thói quen khám thai định kỳ, hơn nữa nhà ở cách xa nhau, đường sá, phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn, các thai phụ đến kỳ sinh nở chủ yếu nhờ vào các “mế vườn” gần nhà, nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao…
Năm 1968, là một quần chúng hoạt động sôi nổi trong phong trào thanh niên ở địa phương, bà Vinh được cử đi học lớp y tá hộ sinh và được kết nạp đảng khi mới tròn 18 tuổi. Trong cuộc đời làm nghề, bà không thể nhớ hết đã giành lại sự sống cho bao nhiêu sản phụ, bao nhiêu trẻ sơ sinh… nhưng có những trường hợp sinh khó mà đến nay bà không thể quên. Điển hình là bà Lộc Thị Khoát hiện đang ở thôn Dhung Knung, ngày ấy sinh con thứ 5, bị thai chết lưu nhưng sản phụ không hề hay biết, đến khi rơi vào trạng thái “thập tử nhất sinh”, người trong gia đình đến tìm bà, dù đang bận công việc nương rẫy, bà vội vã trở về kịp thời, nhờ kỹ năng được học và những bài thuốc gia truyền, bà lấy thai nhi ra và cứu sống sản phụ…hay bà Bùi Thị Chuôn năm nay 40 tuổi, ở thôn Dhung Knung, sinh con thứ ba bị thai ngược, mặc dù tuổi cao bà không còn công tác, nhưng với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực hộ sinh, để thai phụ không bị dao động, hoang mang, trong một thời gian rất ngắn bà bình tĩnh xử lý dùng đôi bàn tay khéo léo để thai quay đầu xuống, sinh nở tự nhiên không phải phẫu thuật.
Bà Lương Thị Thiện 40 tuổi, người cùng ở trong thôn Dhung Knung, một sản phụ được bà Vinh giúp đỡ cho biết: Sau khi đến vùng đất mới lập nghiệp, là dân di cư ngoài kế hoạch nằm giữa hai xã Hòa Phong và Cư Pui, chưa được bàn giao cho xã nào quản lý, lúc đó bà Thiện mang thai đứa con thứ hai, đến kỳ sinh nở gia đình nhờ bà Vinh thăm khám, phát hiện ngôi thai nằm ngang, tôi rất lo lắng nhưng bằng những thao tác quen thuộc, bà giúp cho tôi “mẹ tròn con vuông” mà không phải phẫu thuật, gia đình rất biết ơn bà Vinh…
Hiện tại, do tuổi cao đã nghỉ việc, bà thường khuyên các chị em phụ nữ khi mang thai cần đến trạm Y tế thăm khám định kỳ và mỗi khi có người nhờ giúp đỡ, bà không từ chối sẵn sàng lên rừng kiếm lá thuốc về cho sản phụ bồi bổ sau khi sinh.
Nhắc đến nữ đảng viên Lộc Thị Vinh, bà con trong thôn còn gọi bà với cái tên trìu mến “người giữ lửa” những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Mường, Thái…
Bà Vinh chia sẻ: Người Mường chúng tôi có kho tàng văn nghệ dân gian rất đặc sắc, những làn điệu dân ca, dân vũ như: Khặp Đang (kể lại những câu chuyện bằng lời hát), hát xường (biến lời ăn tiếng nói thành bài hát), hát ru, hát mời trầu, hát ghẹo, hát giao duyên, múa sạp, khua luống v.v…mỗi làn điệu, mỗi điệu múa thường gắn liền với sinh hoạt, lao động sản xuất của con người.
Trước đây, khi còn ở quê cũ thì Khặp Đang hay múa Sạp ví như “cơm ăn, thức uống” hàng ngày, vào những đêm ngày mùa hay lễ hội con trai, con gái quây quần bên nhau múa hát rất vui. Những người lớn tuổi thì Khặp đang, thanh niên đến tuổi cập kê muốn tìm hiểu nhau thì hát ghẹo, hát đối đáp đã có nhiều đôi trai gái thành vợ, thành chồng cũng nhờ vào những làn điệu dân ca ấy.
Từ ngày đồng bào vào Đăk Lăk lập nghiệp, do điều kiện kinh tế khó khăn nên một thời gian dài gần như bị lãng quên, số người lớn tuổi am hiểu văn hóa cổ ngày càng ít, thế hệ trẻ kế cận lại chưa mặn mà với văn hóa truyền thống…
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một đảng viên lại am hiểu khá nhiều những vốn văn hóa truyền thống, trong mỗi cuộc họp Chi bộ hay các ngày kỷ niệm lễ lớn tổ chức trong thôn Dhung Knung, bà Lộc Thị Vinh thường được mời lên hát cho mọi người nghe, những câu chuyện về cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu hay những nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc…được bà thể hiện bằng lời ca qua điệu hát Khặp Đang Mường, Thái, thấm sâu vào tâm trí mọi người, trong đó nhiều người trẻ học hát theo.
Ông Đinh Công Thoa, năm nay 36 tuổi ở thôn Dhung Knung cho biết: Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng và người Mường chúng tôi cũng có những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, mỗi khi nghe các cụ cao niên cất lên tiếng hát, những cảm xúc ấy trong tôi lại trào dâng, tôi tự tìm đến bà Lộc Thị Vinh, bà Phạm Thị Điều nghe hát và học theo, đến nay tôi đã hát thành thạo Khặp Đang, hát Ghẹo, khua Luống, nhảy Sạp…/.
Mai Viết Tăng