Nông dân huyện Krông Bông mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng có múi
Những năm gần đây, nông dân huyện Krông Bông đã chủ động lựa chọn cây cam, quýt, bưởi da xanh để trồng, nhằm chuyển đổi những cây kém hiệu quả không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Nhắc đến huyện Krông Bông là nghĩ ngay đến vùng đất cằn, bạc màu, những nông sản chủ yếu là, cà phê, hồ tiêu và hoa màu ngắn ngày. Tuy nhiên vì đặc điểm đất đai thổ nhưỡng và khí hậu khô hạn nên năng suất những cây công nghiệp vẫn ở mức thấp. Trên địa bàn huyện có một số thôn thuộc các xã Cư Kty, Cư Pui, Hòa Phong, Yang Mao người dân đã chuyển đổi sang trồng cam quýt từ vài năm trở lại đây và bước đầu cho hiệu quả.
Cán bộ xã Cư Pui thăm mô hình trồng Quýt đường của anh Thơ
Người đầu tiên tạo bước đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng là anh Lưu Viết Thơ ở thôn Dhung Knung, xã Cư Pui. Từ mảnh đất Thanh Hoá vào lập nghiệp năm 2000, thời gian đầu gia đình anh còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, quanh năm chỉ biết trồng cây ngô, sắn. Đến đầu năm 2015 được em trai ở huyện Ea Kar giới thiệu về giống cây cam, quýt. Anh Thơ đã cải tạo lại 1 ha đất đồi của gia đình, anh đã lặn lội xuống Chợ Lách, tỉnh Bến Tre mang 700 cây quýt đường và cam sành về trồng thử nghiệm. “Sau hai năm trồng thử nghiệm, tôi nhận thấy cây quýt phù hợp với vùng đất nơi đây, một năm cây cho 2 vụ thu hoạch vào tháng 9 và dịp Tết, quýt trái to, ngọt không thua kém gì ở miền Tây, nhờ có cây trồng này mà gia đình anh đã thoát nghèo” anh Thơ phấn khởi nói.
Đến nay các gốc quýt đường của gia đình anh đều phát triển xanh tốt, với tổng hơn 1100 gốc quýt đường mỗi năm gia đình anh Thơ thu được hơn 18 tấn quả, với giá bán giao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/kilôgam, sau khi trừ chi phí thu lãi 350 triệu đồng. “Trồng cây quýt đường cũng giống như các loại cây khác đều phải cung cấp đủ lượng phân và nước, trung bình một tháng phải tưới 1 lần. Thường xuyên thăm vườn và cắt tỉa cành cho cây thông thoáng tránh được các loại sâu bệnh”, anh Thơ cho biết. Hiện đầu ra sản phẩm quýt đường của gia đình anh rất ổn định, đa phần đều được thương lái từ các huyện Krông Pắc và tỉnh Đắk Nông tìm đến tận vườn để thu mua. Từ mô hình này, đến nay nhiều hộ nông dân trong vùng đã đến học hỏi và được anh Thơ tận tình giúp đỡ, hướng dẫn cho hơn 50 hộ về kỹ thuật trồng quýt đường.
Còn tại xã Yang Mao, những vùng đất khô cằn trước đây đã được nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam sành, bưởi. Đi đầu là hộ gia đình anh Trần Văn Hiếu, thôn 2, xã Yang Mao.Với diện tích 6 sào đất trước đây trồng cà phê, do giá cả xuống mức thấp nên năm 2017 anh đã mạnh dạn phá bỏ hoàn toàn 6 sào cà phê chuyển sang trồng cây ăn quả có múi. “Sau 1 năm trồng thử nghiệm đến nay 500 gốc cam sành đã ra quả bói, quả cam to và mọng nước. Sâu bệnh cũng ít, tuy nhiên khí hậu khắc nghiệt ít mưa nên phải cung cấp nước tưới cho cây thường xuyên” anh Hiếu bộc bạch. Những tín hiệu này bước đầu cho thấy khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với cây ăn quả có múi, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Ông Hồ Đức Hoàng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông cho biết, toàn huyện có tổng số 910 ha diện tích đất trồng cây ăn quả như dứa, vải thiều, chanh dây. Cây trồng có múi còn khá mới mẻ với bà con nông dân, phân bố tập trung tại địa bàn các xã, Cư Kty, Yang Reh và 4 xã cánh đông. Thời gian tới để cây trồng này phát triển bền vững Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông sẽ mở nhiều đợt tập huấn, hội thảo về kỹ thuật trồng trọt đặc biệt là cây ăn quả có múi cho bà con. Phòng Nông nghiệp huyện Krông Bông sẽ phối hợp với Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá và giới thiệu đến các doanh nghiệp về sản phẩm tiềm năng của địa phương.
Chỉ tính riêng diện tích cây có múi được người dân trồng trên địa bàn xã Cư Pui, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông đã lên đến gần 30 ha, nhờ vào cây ăn quả có múi trồng trên vùng đất đồi đã giúp cho nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, từ đó vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống và góp phần vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Xuân Thái