Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 30/05/2018

Nỗi lo của người trồng mía

Niên vụ 2017 - 2018 huyện Krông Bông có trên 1000 ha mía, tập trung ở 6 xã: Cư Kty, Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Ea Trul… Đến nay đang giữa mùa thu hoạch, tuy nhiên các nhà máy đường ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh bạn có nơi dừng mua số diện tích ngoài kế hoạch hoặc thu mua chậm vì công suất hoạt động của nhà máy thấp, thì người trồng mía trong huyện Krông Bông không tránh khỏi những lo lắng.

Theo thóng kê, năm 2017 xã Ea Trul trồng được 155 ha, nhưng phần lớn bà con nông dân trồng theo “phong trào”, điều kiện đất đai kém dinh dưỡng, năng suất bình quân đạt khoảng 70 tấn/ha, so với một số địa phương khác chỉ bằng 60%. Do chưa ký kết hợp đồng bao tiêu với các nhà máy đường, nên người nông dân phải “tự cứu mình” bằng cách liên kết với tư thương từ “A đến Z” để nhận đầu tư giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm với giá dao động từ 35 đến 45 triệu đồng/ha, thấp hơn rất nhiều so với giá thu mua của các nhà máy đường trong tỉnh. Song việc thanh toán tiền cho người dân rất chậm, có khi kéo dài cả bốn, năm tháng, người trồng mía vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hữu Pháp ở Đội 4, thôn 2 xã Ea Trul cho biết: Năm nay gia đình ông trồng mới trên 01 ha mía, mặc dù năng suất không bằng một số nơi khác, nhưng nếu giá cả ổn định như mọi năm thì người trồng mía vẫn có lãi, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại phía nhà đầu tư chưa có kế hoạch thu mua mía của những hộ trồng mới, trong khi mùa mưa đã đến gần, điều đó đồng nghĩa với việc trữ lượng  đường bị giảm, vì thế gia đình ông lo lắng, đứng ngồi không yên…

Cùng quan điểm với ông Pháp, Ông Ngô Văn Năm, cán bộ nông nghiệp xã Ea Trul chia sẻ thêm: Hiện tại, trên địa bàn xã vẫn còn 65 ha chưa thu hoạch, tập trung ở thôn 2, bây giờ đã là tháng 4 nếu mưa xuống mà mía vẫn còn trên ruộng, bà con sẽ không kịp chăm sóc cho vụ sau, mặt khác mùa mưa đến thì đường sá lậy lội, xe tải không vào vận chuyển được, người dân phải dùng xe công nông trung chuyển, chi phí sẽ đội lên người nông dân xem như cầm chắc lỗ…

Còn ở xã Khuê Ngọc Điền có trên 320 ha mía nguyên liệu, để ổn định đầu ra, xã đã liên kết với Công ty Mía đường 333 Đắk Lắk để tiêu thụ sản phẩm, do công suất hoạt động của nhà máy thấp, nên tiến độ thu mua phải kéo dài, hiện tại vẫn còn trên 50 ha chưa thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Trương - Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền cho biết: Niên vụ trước Công ty Mía đường 333  thu mua với giá 930.000 đồng/tấn, nên phấn lớn các gia đình trồng mía có lãi gần 60 triệu đồng/ ha, năm nay do ảnh hưởng cơn bão số 12, đầu vụ thì lo âu nước ngâm lâu ngày sẽ bị giảm trữ lượng đường còn hiện tại thì lo mía chưa có lịch thu hoạch, trong khi vừa qua thời tiết mưa bất thường, cộng với giá thu mua giảm xuống còn 760.000 đồng/tấn (nhưng phải đảm bảo từ 8 đến 12 trữ lượng đường) như vậy sau khi trừ chi phí thì một ha chỉ còn lãi khoảng 40 triệu đồng.

Nỗi trăn trở ấy không chỉ đối với người trồng mía ở xã Khuê Ngọc Điền hay Ea Trul mà nhiều người dân ở xã Hòa Sơn cũng đang thấp thỏm lo âu không biết đến bao giờ mới thu hoạch xong cây mía, để có tiền trang trải chi phí  tái canh cho niên vụ mới.

Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang