Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 05/02/2024

Nơi giữ hồn đồng bào Êđê ở Xã Yang Mao

Xã Yang Mao huyện Krông Bông có 8 buôn đồng bào DTTS tại chỗ sinh sống, trong đó buôn Mghí là một buôn của người ÊĐê với 150 hộ gia đình, vì vậy đồng bào vẫn mang đậm nét văn hóa của người đồng bào dân tộc Êđê ở Đăk Lăk.

Ở buôn Mghí  nhiều hộ gia đình vẫn còn lưu giữ được nét đẹp truyền thống của người Êđê như: Nhà sàn, trống Hgơr, giường Jhưng, ghế Kpan, ché rượu cần, cồng chiêng và các nghi lễ truyền thống….

Bà H Prăng Ksơr thường gọi là Amí H Brok ở buôn Mghí, năm nay đã 90 tuổi nhưng bà vẫn giữ được những báu vật của gia đình mình. Trong cái nhà dài truyền thống với những chiếc ché, ghế Kpan và đặc biệt là chiếc trống Hgơr có tuổi thọ hơn 40 chục năm của gia đình, bà vẫn luôn cẩn thận đặt ở một góc đúng theo phong tục truyền thống, hơn nữa bà luôn xem góc bếp là nơi sinh hoạt chính của người phụ nữ Êđê, nên hằng ngày bà vẫn luôn có thói quen ngồi bên bếp lửa để nấu ăn, sưởi ấm… đó được tiếp cận những phong tục truyền thống của gia đình, những nét văn hóa đặc trưng của người Ê Đê và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình bà, cũng như người dân trong buôn làng.

Riêng gia đình bà H’Sơnh Niê, bà vẫn giữ được không ít với những báu vật của gia đình mình. Mặc dù gia đình ít khi sử dụng nhưng bà luôn giữ gìn cẩn thận. Trong cái nhà dài của bà với những báu vật quý giá đã hơn mấy chục năm nay của gia đình đó là: 9 ché rượu cần các loại, 1 bộ chiêng Knah với 1 chiếc chiêng Char, 1 bộ chiêng Núm cùng 2 chiếc nồi đồng. Những chiếc ché được bà thường xuyên dùng để ủ rượu cần, bà làm rượu cần để giành đến ngày đem ra chung vui khi gia đình có việc trọng đại, hay những dịp đặc biệt trong gia đình, họ hàng và buôn làng. Còn những chiếc cồng chiêng thì được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng như cưới hỏi, mừng lúa mới, cúng sức khoẻ, mừng nhà mới... Bà H Sơnh Niê được ông bà, cha mẹ giao giữ gìn những báu vật của gia đình, vì vậy bà luôn  có trách nhiệm cất giữ cẩn thận.

Còn đối với ông Y Kun Êban quý nhất ché cổ, không biết chúng có từ bao giờ mà chỉ biết đây là bộ ché do cha ông từ nhiều đời để lại nên ông phải có trách nhiệm giữ gìn chúng. Không chỉ sở hữu bộ ché cổ, mà còn có chiếc giường Jhưng, ghế Kpan đã hơn 40 năm nay và nhà dài truyền thống của gia đình. Không những thế ông còn là một thầy cúng được bà con trong buôn làng thường mời làm lễ cúng trong các nghi lễ quan trọng như tang ma, mừng lúa mới và cúng bến nước...những lúc nông nhàn ông lại ngồi miệt mài đan gùi Piêu cho bà con trong buôn. Theo ông, ngoài giữ nét đẹp trong việc cúng thần linh cho các nghi lễ, giữ nghề truyền thống đan lát của mình, thì những chiếc ché, giường Jhưng, ghế Kpan ông luôn giữ gìn cẩn thận như hồn của dân tộc mình. Một đời gìn giữ những báu vật này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của ông Y Kun Êban, vì ông  giữ không chỉ để cho riêng mình mà còn cho cả con cháu, lớp trẻ mai sau.

Với những tài sản vô giá ấy, có thể nói bà H Prăng Ksơr, bà H Sơnh Niê và ông Y Kun Êban ở buôn Mghí cũng là một trong những gia đình có truyền thống lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc Êđê ở xã Yang Mao nói riêng và huyện Krông Bông nói chung.

Anh Y Yun Niê – Buôn trưởng buôn Mghí, xã Yang Mao chia sẻ:Nhiều gia đình ở buôn Mghí, mặc dù cuộc sống kinh tế còn nhiều khó khăn song vẫn luôn coi trọng và lưu giữ nhiều vật dụng truyền thống dùng trong đời sống hằng ngày của cha ông, tổ tiên để lại với 421 ché rượu cần; 22 ngôi nhà dài truyền thống; 12 bộ chiêng; 9 ghế Kpan, giường Jhưng và 4 chiếc trống Hgơr”. Theo đó, xã Yang Mao hiện có 979 chiếc ché các loại; 298 ngôi nhà dài; 75 bộ chiêng; 82 chiếc ghế Kpan, giường Jhưng và 26 chiếc trống Hgơr. Đây là xã có số di sản văn hoá phi vật thể nhiều nhất trên địa bàn huyện Krông Bông.

Đồng chí Y Vân Niê Kdăm – Phó bí thư đảng ủy xã Yang Mao chia sẻ: “Dù cuộc sống kinh tế của bà con trong buôn gặp nhiều khó khăn; hoàn cảnh gia đình thế nào, nhưng bà con luôn hiểu được giá trị tinh thần của vật quý ấy và ý nghĩa văn hoá lớn lao nên nhất quyết không bán, hay trao đổi những “báu vật” từ ông bà, tổ tiên để lại, mà luôn cất giữ cẩn thận, để góp phần giữ gìn nét đẹp, bản sắc văn hoá truyền thống của người Êđê, mãi được tồn tại trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Tây Nguyên’’.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang