Nỗ lực của những cựu chiến binh người dân tộc thiểu số ở vùng sâu huyện Krông Bông
Điều kiện kinh tế của đa số cựu chiến binh (CCB) ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các CCB người dân tộc thiểu số. Nhiều CCB tuổi đã cao, thương tật, song họ vẫn rất nỗ lực để làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, luôn giữ được phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Nhiều CCB là tấm gương sáng trong các buôn làng vùng sâu.
Xã Yang Mao hiện có 219 CCB, trong đó 115 CCB đang sinh hoạt tại các chi hội. Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo rất cao, trong đó nhiều gia đình CCB là người dân tộc thiểu số cũng trong diện nghèo và cận nghèo. Vượt qua khó khăn, nhiều CCB ở đây đã rất nỗ lực, cùng với gia đình tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo, điển hình như CCB Y Đun Niê (Ama Nam) ở buôn M’Ghi có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất và chăn nuôi, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của CCB Rơ Chăm Chah (Ama Đun) ở buôn M’năng Dơng.
Sau 34 năm phục vụ trong quân đội, năm 1994 CCB Ama Đun nghỉ chế độ, hoàn cảnh gia đình lúc đó vô cùng khó khăn, hai căn nhà cùng tài sản giành dụm sau bao nhiêu năm bổng chốc bị cháy rụi sau một vụ hỏa hoạn. Với tinh thần và nghị lực của người lính, CCB Ama Đun cùng với vợ con gây dựng lại từ đầu. Gia đình ông hiện đã làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều máy móc, tiện nghi phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng CCB Ama Đun vẫn hàng ngày cùng vợ và các con lao động sản xuất, chăn nuôi. Công việc chính của ông là chăn dắt 8 con bò, 2 con trâu và 3 con dê. Ngoài ra ông còn phụ giúp vợ, con dâu, con rễ làm hơn 2 ha đất trồng các loại cây như cà phê, ngô, lúa, gần 1 ha rừng bạch đàn. Thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. CCB Ama Đun là người có uy tín trong buôn. Ông luôn quan tâm đến việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Hiện ông còn lưu những bộ trống, chiêng, ché, ghế Kpal… Ông đã được tặng thưởng rất nhiều Huân, Huy chương. Vừa qua CCB Ama Đun được Huyện ủy Krông Bông tặng Giấy khen về điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Hội CCB huyện tặng danh hiệu: CCB gương mẫu 5 năm liền.
CCB Ama Nam ở buôn M'Ghi, xã Yang Mao
Đã bước sang tuổi 89, hai lần vinh dự được gặp bác Hồ, CCB Trung đoàn 120 Tây Nguyên, Ra H’lan Y’Nhúc, dân tộc J’rai (Ama Nô) ở buôn Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) vẫn hàng ngày đi chăn giữ 10 con bò, 2 con trâu. Ngoài ra ông cũng thường xuyên cùng với gia đình ra nương chăm sóc gần 2 ha cà phê, hơn 1 ha ngô, lúa, sắn… Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ để giúp đỡ, chỉ dạy kinh nghiệm cho những đảng viên trẻ trong chi bộ. Năm 2016, Ama Nô vinh dự được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông tâm sự: “Giờ tuy tuổi đã cao nhưng lao động đã thành thói quen rồi, không làm ngồi không thấy khó chịu, mệt mỏi hơn. Hơn nữa mình cố gắng làm việc để làm gương cho con cháu”.
Ở thôn Ea Hăn (xã Cư Đrăm) có hai CCB người dân tộc Mông được người dân ở đây vô cùng cảm phục. Hai ông đều là thương binh nặng 2/4, CCB Giàng Seo Sình và CCB Giàng Seo Dì. Cả hai CCB đều bị mất một chân và có nhiều vết thương trên người. Hai CCB này rất gương mẫu. Họ luôn làm tốt lời Bác dạy năm xưa: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày họ vẫn tham gia lao động, sản xuất cùng với gia đình. CCB, thương binh Giàng Seo Sình có nghề làm mộc. Ông thường xuyên đi làm nhà, đóng đồ gỗ cho các gia đình trong mấy thôn đồng bào Mông ở xã Cư Đrăm. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia vào công tác xã hội. Hiện ông là trưởng ban công tác mặt trận của thôn Ea Hăn. Còn CCB, thương binh Giàng Seo Dì năm nay đã gần 70 tuổi. Ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, năm 1973 bị thương tại đèo Phượng Hoàng (M’Đrắc) sau đó được gia đình đưa về nhà chăm sóc. Năm 2000, gia đình ông từ quê hương Hà Giang vào định cư tại thôn Ea Hăn. Trên quê mới, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy chỉ còn một chân và nhiều vết thương trên người nhưng ông đã cùng vợ con cần mẫn lao động, sản xuất. Đến nay cuộc sống gia đình ông đã ổn định. Tuy vậy hàng ngày ông vẫn cùng vợ, con lên nương chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, lúa và chăn nuôi trâu. Ông cho biết: “Mình vẫn còn sức khỏe nên phụ giúp con cháu những việc có thể làm được. Với số tiền trợ cấp thương binh của mình thì cũng đủ trang trải cho sinh hoạt của hai ông bà. Tuy nhiên con cháu còn khó khăn nên làm được gì để giúp đỡ chúng nó thì cứ phải cố gắng”.
Dù điều kiện để phát triển kinh tế còn khó khăn; một số CCB tuổi đã cao, sức yếu, thương tật… song nhiều CCB ở vùng sâu của huyện Krông Bông đang hàng ngày nỗ lực lao động sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.
Tùng Lâm