Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 27/03/2024

Những tấm gương thanh niên lập thân, lập nghiệp ở các xã vùng sâu

 

Với khát vọng, nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều thanh niên ở vùng sâu, vùng xa Krông Bông luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế khác nhau, không chỉ giúp gia đình có cuộc sống ổn định mà còn khẳng định vai trò của Đoàn viên, thanh niên trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Cư Drăm có 2.620 đoàn viên, sinh hoạt tại 12 chi đoàn, trong đó Đoàn viên là người dân tộc thiểu số chiếm gần 80%; còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất, kinh doanh. Chị Đào thị Hồng Bí thư Đoàn xã Cư Drăm cho biết: Để đồng hành cùng phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, những năm gần đây Đoàn xã đã phối hợp với Trung tâm GDTX và GDNN mở 3 lớp cắt may, nấu ăn, sửa chữa điện dân dụng cho thanh niên DTTS, cho 12 thanh niên vay vốn khởi nghiệp với số dư nợ là 780 triệu đồng, cùng với ngành chức năng tổ chức 3 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thanh niên ứng dụng vào sản xuất…đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế khá. Điển hình như mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi của anh Nguyễn Vũ Miên sinh năm 1989 ở Buôn Tơng Rang B (Cư Drăm).    

Sau một thời gian lập gia đình sống với cha mẹ, năm 2018, anh Nguyễn Vũ Miên, được cha mẹ cho tách hộ để có điều kiện phát triển kinh tế. Những ngày đầu ra ở riêng cuộc sống của gia đình không tránh khỏi khó khăn, thiếu thốn, Anh luôn trăn trở, muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi…nhưng trồng cây gì, nuôi con gì là một bài toán khó cần có lời giải. Thế rồi, sau nhiều đêm suy nghĩ anh cũng xác định hướng đi cho gia đình, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” ngoài diện tích trồng cây lương thực, gia đình anh trồng được 1 ha cà phê và 2 ha dứa… những lúc nông nhàn, anh dành thời gian đào thêm 500 mét ao, nuôi cá, tuy nhiên, việc nuôi cá không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Tháng 8/2023, qua tìm hiểu trên mạng internet anh Miên  biết đến con Ốc nhồi, một vật nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương, thức ăn cho ốc đa dạng có thể sử dụng cả những loại rau, củ phế phẩm, nên anh đã nạo vét, vệ sinh lại ao cá, bón vôi cân đối lượng pH để ốc phát triển, sau đó, anh ra Hợp tác xã Hợp Nhất có trụ sở ở huyện  Eakar mua 1 kg trứng về ấp lấy con nuôi thử nghiệm, đến nay sau 7 tháng, đàn ốc phát triển khá tốt, trọng lượng đạt bình quân 25 con/kg, với giá bán hiện tại là 60.000 đồng/kg, hứa hẹn mang về cho gia đình anh một nguồn thu khá.

Cũng trong thời gian này, anh đầu tư nuôi 16 con dê Bách thảo cũng là một vật nuôi đầu tư ít, hiệu quả cao lại rộng thị trường tiêu thụ, anh còn trồng cỏ nuôi bò…Đến nay, chỉ tính riêng trồng trọt, bình quân mỗi năm gia đình anh có thu nhập 150 triệu đồng đã trừ chi phí…

Ở các địa phương khác, cũng thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và hướng nghiệp, giúp thanh niên tiếp cận các chương trình vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh doanh, đã xuất hiện nhiều tấm gương lập thân, lập nghiệp đáng ghi nhận.

Anh Ai Phương 24 tuổi, dân tộc Vân Kiều ở thôn 2 (Hòa Phong) là con út trong một gia đình nghèo có 5 anh em, năm 2019 Ai Phương trúng tuyển Nghĩa vụ quân sự, được biên chế vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 9,  Trung đoàn 95, đóng quân ở Đèo Hà Lan (Buôn Hồ-Đăk Lăk), sau 2 năm trong quân ngũ đã tôi luyện cho anh bản tính tự lập… ngày xuất ngũ về địa phương, anh được đơn vị hỗ trợ số tiền 26 triệu đồng. Đây là một khoản tiền tương đối lớn đối với 1 gia đình nghèo, một phần anh đưa cho cha mẹ trả nợ chi phí sản xuất, số còn lại  anh mua 1 con bò cái và 2 con heo trị giá gần 15 triệu đồng… đồng thời, anh trồng thêm 1 sào cỏ để làm thức ăn cho bò. Sau 2 năm bò cái đã sinh sản, đối với con heo anh nuôi theo phương thức “dâm chân”, khi heo lớn xuất chuồng anh luôn giữ lại một khoản tiền để mua heo giống cho đợt sau, vì thế nguồn vốn luôn được bảo toàn. Ngoài ra, anh còn đầu tư chăm sóc 5 sào cà phê, 5 sào điều, đắp bờ giữ nước tưới cho 4 sào ruộng nước…Thời gian rảnh rỗi, anh và vợ lại khăn gói lên đường đến các địa phương lân cận thu hoạch nông sản cho người dân để có thêm thu nhập.  Với bản tính cần cù, chất phác, Ai Phương đã mua sắm được phương tiện đi lại, hỗ trợ thêm tiền cho cha mẹ xây dựng nhà cửa…

Xuất ngũ năm 2011, anh Lê Quang Mạnh sinh năm 1990, ở thôn 11 (Hòa Lễ) được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến là một chủ trang trại Dúi hoạt bát. Anh Mạnh chia sẻ: Ước mơ có một trang trại nuôi Dúi đã được anh ấp ủ từ lâu… đây là con “ngủ ngày, ăn đêm”, thức ăn đơn giản có sẵn ở địa phương…Vì thế, sau khi hoàn thành Nghĩa vụ quân sự, anh bắt tay thực hiện ước mơ của mình, ban đầu anh dùng số tiền 9 triệu đồng được đơn vị hỗ trợ mua 10 cặp Dúi giống nuôi thử nghiệm, tuy nhiên “vạn sự khởi đầu nan” do mua phải Dúi kém chất lượng, chỉ một thời gian ngắn đàn Dúi chết dần. Không nản lòng, anh Mạnh tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của những người từng nuôi Dúi và tìm hiểu tập tính, khả năng thích nghi cũng như cách chăm sóc Dúi. Nhờ vậy, đàn Dúi của anh ngày càng phát triển mạnh, hiện tại, trang trại của anh luôn có trên 200 cặp Dúi giống và Dúi thương phẩm, trị giá gần 500 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu nuôi và sử dụng cho mọi người trong và ngoài tỉnh./.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang