Những tấm gương hiếu thảo
Mới vừa nghe qua thì ai đó có thể cho đây là một việc làm bình thường, nhưng khi chứng kiến suốt ba năm nay, đều đặn một ngày ba bữa sáng, trưa, chiều (không kể ngày nắng hay ngày mưa) ông Trần Thông ở thôn 4 xã Hòa Phong lại mang đồ ăn vào chăm sóc mẹ già là bà Trần Thị Lý, sinh năm 1944 bị tai biến nằm một chỗ, thì mới cảm kích trước tấm gương hiếu thảo của ông.
Bố mẹ ông sinh ra được 8 người con, trong số đó có 6 người con bị tâm thần mãn tính, bố ông là ông Trần Được bị khuyết tật cụt một tay. Thuở ấu thơ ông đã chứng kiến nỗi nhọc nhằn của cha và sự vất vả của mẹ, ngoài giờ làm ruộng bố mẹ ông phải đi làm thuê, cuốc mướn, để duy trì cuộc sống cho một gia đình có 7/10 thành viên không lành lặn. Những lúc con cái ốm đau hoặc cả 6 đứa bỏ đi lang thang, đến bữa ăn cả nhà lại bủa nhau đi tìm, thì nỗi vất vả ấy càng tăng thêm gấp bội, vậy mà nỗi bất hạnh luôn ập xuống gia đình ông. Sau khi ông lập gia đình ở riêng thì lần lượt 2 đứa em tâm thần của ông qua đời và đến năm 2002, bố ông cũng từ trần, bỏ lại mẹ và 4 đứa em tâm thần. Thiếu bàn tay chăm sóc của cha, bệnh tình bốn đứa em của ông ngày càng nặng thêm, để có điều kiện chữa trị, gia đình ông đã phải gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh chăm sóc. Năm 2016, nhận được hung tin thêm 2 đứa em đã chết trong Trung tâm bảo trợ xã hội và năm 2017 người em gái của ông có gia đình ở riêng cũng tiếp tục ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Người mẹ già thương nhớ con ngày càng tiều tụy, từ năm 2016 đến nay bà không còn tự chủ trong sinh hoạt do bị tai biến, mọi việc chăm sóc mẹ già chỉ còn trông cậy vào vợ chồng ông. Vì nhà ông ở cách xa 3 cây số, nên nhiều lần vợ chồng ông ngỏ ý đưa bà về nhà cho tiện việc chăm sóc, nhưng bà không muốn rời khỏi nơi thờ tự và nơi đã gắn bó với bà suốt 40 năm qua, vì thế hàng ngày đến bữa ăn ông lại mang cơm vào đút cho mẹ ăn rồi dọn dẹp vệ sinh, thay quần áo đưa về giặt giũ, vậy mà chưa bao giờ ông Thông thở than một điều…
Ông Trần Thông chăm sóc mẹ già bị bệnh đã nhiều năm |
Ông Trần Thông chia sẻ: Mẹ cha một đời vất vả nuôi ông khôn lớn, cái ơn nghĩa sinh thành ấy làm sao sánh bằng, ông là người may mắn được lành lặn, có một gia đình hạnh phúc, vợ là giáo viên trung học cơ sở, hai con trai một là bác sỹ, một là cử nhân Ngân hàng đều có công ăn việc làm ổn định và đang công tác ở xa, bây giờ chỉ còn một mình ông nên việc chăm sóc, phụng dưỡng mẹ lúc tuổi xế chiều cũng hợp với đạo lý làm người mà thôi…
Mẹ Việt nam anh hùng Đặng Thị Lịch ở thôn 1 (Hòa Phong) mùa xuân tới sẽ bước vào tuổi 100, nhưng mẹ rất minh mẫn và vẫn còn có thể làm được những việc nhẹ nhàng, đó là nhờ sự chăm sóc tận tình của con, cháu. Ông Lê Lược con trai của bà mặc dù bị khuyết tật (1 chân giả) hàng ngày vẫn lao động cần mẫn, không chỉ là tấm gương quý trọng lao động mà ông thường dạy dỗ con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, ông thường nói: Người già như ngọn đèn trước gió, lo cho mẹ một bữa ăn ngon, thường xuyên nói chuyện hỏi han mẹ để mẹ bớt cô đơn, không làm gì phật ý để mẹ buồn, thì đó là cách báo hiếu tốt nhất…
Tuy đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng ông Huỳnh Viết Cây sinh năm 1935 ở thôn 3 xã Hòa Phong, hơn 40 năm qua vẫn giữ được nếp nhà, mẹ ông bà Nguyễn Thị Hè năm nay cũng vừa tròn 100 tuổi, những đứa con của ông người thì có gia đình ở riêng, người thì đi công tác ở xa, là con trưởng trong gia đình nên mọi việc phụng dưỡng cụ đều do vợ chồng ông đảm nhận, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, những khi “trái gió, trở trời” cụ bị bệnh, ngoài việc kịp thời chạy chữa ông còn thường xuyên bên cạnh an ủi chuyện trò để cụ sống vui, sống khỏe. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, trước cuộc sống hối hả của nền kinh tế thị trường, ngày càng có những đứa con bất hiếu, ngược đãi, đánh đập cha mẹ, gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, thì những tấm gương chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già nêu trên thật đáng trân trọng biết bao.
Viết Tăng