NHỮNG NGƯỜI SĂN “ĐẠI BÀNG ” Ở BẦU TRỜI H9 - KRÔNG BÔNG
Cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta đã lần giở sang những trang sử mới, thế nhưng có những chiến công thầm lặng “đất đối không” cách đây gần nửa thế kỷ vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm trí của người dân căn cứ H9 (Krông Bông Đăk Lăk). Họ chỉ là những đội viên du kích hay người lính bộ binh, nhưng đã bắn rơi được máy bay địch bằng những vũ khí thô sơ.
Một ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, vượt qua quãng đường dài hơn 90 cây số, đến thăm ông Y Grăng Niê (tên thường gọi Ama Dung ) sinh năm 1949 quê quán Buôn Ngô xã Hòa Phong (Krông bông) hiện đang sinh sống tại Buôn Hai xã Cư Mta (Mdrăk - Đăk Lăk), sau cái ôm thân thiết, bắt tay chào hỏi, chúc tết, chúng tôi có dịp hàn huyên và nghe ông kể lại chuyện thời đánh Mỹ.
Ông cho biết: Đầu năm 1968, ông thoát ly vào T47 Đăk Lăk và được chuyển về C 23, đơn vị 25. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn mỏng và ít, nên ông được đơn vị giao kiêm phụ trách thanh niên Buôn Ngô và Buôn Dăk tuôr (xã Cư Pui). Là một người hoạt động phong trào sôi nổi, hăng hái trên mọi mặt trận công tác, nên Mỹ Ngụy đã tuyên bố nếu bắt được Y Grăng sẽ chặt đầu để ra đường cái, vì thế để đánh lạc hướng kẻ thù, đơn vị quyết định đổi tên ông thành Y Brăng Niê.
Ông Y Grang Niê - Người bắn rơi máy bay năm 1969
Vào khoảng 10 giờ sáng một ngày đầu tháng 5/1969 trong lúc trên đường đưa thanh niên buôn Ngô đi tập văn nghệ chào mừng sinh nhật Bác tại buôn Đăk Tuôr, phát hiện máy bay Dakuta của địch đang bay ở tầm thấp rải chất độc khai quang, trong số 12 người chỉ một mình ông có súng, lúc này ông suy nghĩ mình không bắn máy bay mà chạy thì sẽ chết, nếu không thì cũng bị bắt. Nghĩ sao làm vậy, khi máy bay rà thấp cách khoảng vài chục mét, ông đã dùng súng CKC nhắm thẳng vào máy bay bắn ba phát, thấy máy bay trúng đạn bốc cháy, sau đó rơi xuống vùng đất ở hướng tây cách mười mấy cây số, ông sung sướng hô to: Máy bay cháy rồi anh em ơi, máy bay cháy rồi anh em ơi…
Sau chiến công này ông được thăng quân hàm Đại úy, đến năm 1972 ông được điều động về làm Phó bí thư Huyện đoàn H9 rồi được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc Quân khu 5. Sau ngày thống nhất đất nước ông trải qua nhiều công việc từ đại đội phó Thanh niên xung phong huyện Krông Păk, rồi đến Phó phòng Nông Nghiệp huyện Mdrăk… năm 1986 ông nghỉ mất sức lao động. Tuy nhiên, năm 1988 ông được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát HTX Cư Du (một trong những HTX tiêu biểu của Huyện Mdrăk), đến năm 1991 ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã CưMta cho đến 1996.
Trải qua nhiều cương vị công tác, ông luôn phát huy bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu học tập giữ gìn đạo đức tác phong được quần chúng tin yêu. Ông đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng hai, Huân chương lao động hạng ba, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Trước khi chia tay, ông ôm tôi và xúc động nói: Vì lý do sức khỏe nên ông không thể về thăm lại nơi ông sinh ra, chiến đấu và trưởng thành, nhưng gặp được tôi, ông như đã gặp lại được những bà con trong buôn làng, như đã gặp lại quê hương, điều đó cũng làm cho ông mãn nguyện…
Còn trong ký ức của ông Y Kriêng Bkrông năm nay 87 tuổi, ở Buôn Ngô vẫn không quên được trận đánh ngày 15/7/1969, sau khi nhận lệnh của Bộ tư lệnh mặt trận B3, đại tá Ama Phim tham mưu phó tỉnh đội Đăk Lăk đã giao nhiệm vụ cho 4 đ/c trong lực lượng du kích của xã phục kích đánh địch đi càn vào hậu cứ, khi phát hiện chiếc máy bay C130 bay thấp chỉ cách mặt đất khoảng 300 mét, ông đã dùng súng CKC ngắm thẳng bắn trúng tên phi công, khiến máy bay của địch bị rơi bốc cháy. Kết quả theo tin của Mặt trận B3 cho biết có 7 tên lính Mỹ bị chết...
Đến xã Khuê Ngọc Điền, một xã được phong tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, Ông Nguyễn văn Trương Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong phong trào thi đua xây dựng thực lực cách mạng, góp phần kiện toàn và giữ vững vùng căn cứ H9, lực lượng dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền, tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt 300 tên Mỹ - ngụy; bắn rơi 6 máy bay, thu và phá hủy 9 xe quân sự, đánh sập 2 cầu… trong đó tiêu biểu nhất vào tháng 3/1970 nhận được tin của cấp trên, địch chuẩn bị hành quân truy quét vùng căn cứ của ta. Ban chỉ huy xã đội tổ chức họp và triển khai nhiệm vụ chiến đấu, 2 chiếc máy bay trinh sát L19 bay từ hướng Buôn Ma Thuột vào và phát hiện tổ công tác của ta đi làm nhiệm vụ, nó bổ nhào xuồng định bắn rốc kết, nhưng chưa kịp thì đồng chí Nguyễn Phố đội viên du kích xã đã dùng súng trường bắn 1 viên trúng vào 1 chiếc máy bay bốc cháy và rơi xuống khu vực Buôn Ja (nay thuộc xã Hòa Sơn), chiếc còn lại vội vã bay về lại Buôn Ma Thuột, khi lục soát trong máy bay, du kích đã thu được một số bản đồ ghi lại vùng căn cứ của ta.
Phong trào bắn máy bay địch lan tỏa khắp vùng căn cứ, theo lời giới thiệu của ông Trần Tiên một người dân căn cứ Lễ Giáo, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hòa Lễ đã nghỉ hưu, tôi đến gặp ông Lỡ văn Châu 64 tuổi, thương binh 4/4 hiện ở thôn 1 xã Hòa lễ, bằng giọng trầm hùng ông kể lại: Năm 1971, khi tròn 16 tuổi ông tình nguyện nhập ngũ vào Huyện đội H9 (Đăk Lăk), do nhỏ tuổi và nhỏ người ông được biên chế vào trung đội trinh sát kiêm giao bưu, tháng 3 năm 1973 trong lúc giao tranh với địch tại Buôn Gà (Ea Kar) ông bị thương vào phần mềm, sau khi điều trị ông tiếp tục trở lại đơn vị với công việc của người lính trinh sát, giao bưu. Những tháng năm trong quân ngũ đã để lại cho ông biết bao kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm luôn theo ông trong suốt cuộc đời, đó là vào tháng 4 năm 1974, ông được đơn vị cử đi từ H9 đến H7 để giao công văn hỏa tốc, khi vừa đi đến cầu Cư Phiăng (Hòa Phong) bị máy bay trực thăng của địch phát hiện, nó chỉa súng bắn thẳng vào ông, ông suy nghĩ nếu hy sinh cũng phải bảo vệ được công văn mật, nên lúc đó ông nhanh trí nhảy xuống gầm cầu tìm vị trí ẩn nấp và độc lập tác chiến. thừa cơ hội máy bay hạ thấp ông đã dùng súng AK bắn hết nửa băng đạn khoảng 15 viên thì máy bay bốc cháy, rơi cách đó ba cây số (xác máy bay tìm thấy nằm ở gần cánh đồng thôn 6 Hòa phong hiện nay). Không để địch chạy thoát, ông cắt băng đường rừng truy đuổi, đến gần xác máy bay phát hiện có dấu máu, ông đoán chắc chắn tên phi công Mỹ đã bị thương đang ẩn nấp đâu đó, nên ông liên lạc với đơn vị gần nhất và được bệnh xá B2 cử 3 đồng chí phối hợp truy bắt. Sau một hồi lùng sục, phát hiện tên phi công Mỹ nằm trong bụi tranh, theo phản xạ tự nhiên ông giơ súng nhắm thẳng bắn 6 phát, tên phi công Mỹ chết ngay tại chỗ, sau khi cùng ông Trần Phước Long (hiện ở Khuê Ngọc Điền) chôn cất tên phi công Mỹ xong, ông lại vội vã lên đường để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 1979, ông phục viên với cấp bậc Thượng sỹ, chức vụ A trưởng. Với những thành tích tham gia kháng chiến, ông vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng 3…
Chia tay ông, tôi vẫn còn canh cánh bên lòng, là hiện nay với phụ cấp thương binh ít ỏi, ông chắt chiu nuôi con cái ăn học, nên mặc dù ngôi nhà gỗ đã xuống cấp nhưng ông vẫn chưa có điều kiện để cải thiện nơi ăn chốn ở.
Qua những câu chuyện bắn rơi máy bay ở vùng căn cứ H9 và những nhân chứng sống, một lần nữa khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do” và “Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Viết Tăng