Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 27/03/2024

Những người giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại buôn Tliêr, xã Hoà Phong

 

Buôn Tliêr có 188 hộ, chủ yếu là dân tộc thiểu số tại chỗ Êđê sinh sống. Hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, công nghiệp hoá dần thay thế các ngành nghề truyền thống, nhiều nghề truyền thống tại các buôn làng cũng dần bị mai một và quên lãng. Băn khoăn lo lắng nghề truyền thống của dân tộc mình đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền, nhiều nghệ nhân ở buôn Tliêr, xã Hoà Phong (huyện Krông Bông) vẫn tha thiết và say sưa với nghề truyền thống của dân tộc mình….

Gần 80 tuổi, ở độ tuổi đã xế chiều nhưng bà H’ Dit Byă (tên thường gọi là Aduôn Soan), vẫn miệt mài với khung dệt của mình. Bà kể, trước đây trong buôn Tliêr hầu như những người phụ nữ đều biết dệt thổ cẩm, bà được bà ngoại của mình dạy dệt và thêu thùa từ lúc năm 14 tuổi, rằng con gái Êđê ngày xưa là phải biết dệt, áo, khố và chăn thổ cẩm cho chồng thì mới được lấy chồng, nhưng trong những năm gần đây chỉ còn vài người biết dệt thổ cẩm, những người độ tuổi với bà thì đã già yếu và một số người thì đã không còn, một số người thì đã bỏ nghề vì không có khung để dệt và việc sử dụng đồ thổ cẩm ngày càng ít đi. Còn Aduôn Soan, với niềm đam mê với nghề truyền thống của dân tộc mình, thường ngày bà vẫn dệt vải mỗi khi rảnh rỗi, vì sức khoẻ đã già yếu nên việc nương rẫy bà không tới được, chỉ ở nhà vừa trông cháu và vừa dệt vải. Bà dệt váy, áo, khố hay chăn thổ cẩm để tặng cho con cháu bà, dệt chăn thổ cẩm để đem đi cưới chồng cho con gái, cháu gái bà, dệt tấm chăn để địu em bé. Bà tâm sự: bà có tận 11 người con, và có tận 8 đứa con gái nên việc dệt những chăn thổ cẩm là điều bà cần phải làm thường xuyên để có sính lễ đi hỏi chồng cho con gái, chăn thổ cẩm rất quan trọng đối với đời sống của người Êđê, để đi hỏi được người chồng đằng gái phải có 1 cái chăn thì nhà trai mới cho làm đám hỏi. Ai có nhu cầu đến nhà đặt dệt bà vẫn nhận, thường bà hay nhận dệt chăn, khố, váy, áo cho mọi người, một tấm chăn bà bán được từ 1 đến 2 triệu đồng, một bộ áo khố nam và váy áo nữ bà bán từ 500 đến 1 triệu đồng tuỳ kích thước khác nhau, nhưng để làm ra được một tấm thổ cẩm như vậy thì rất kì công và tốn nhiều thời gian, khoảng tầm nửa tháng đến 1 tháng và có khi hơn thì mới xong được. Giờ bà đã có tuổi nên mắt kém và tay yếu nên không thể dệt nhanh như ngày trước được. Trong buôn bây giờ chỉ còn khoảng 6 đến 7 người biết dệt thường, nhưng dệt được các loại hoa văn truyền thống và hoa văn cổ của người Êđê thì chỉ còn 3 người, những người biết như: (“Kteh: dệt hoa văn khố”, “Giêng: tạo ra khung dệt”) hầu như đã không còn.

(Aduôn Soan, trong khung dệt váy nữ truyền thống của người Êđê)

Bà H’ Chơ Byă (Aduôn Hrưn) cũng là một trong số ít những người phụ nữ tại buôn Tliêr biết dệt thổ cẩm và tạo hoa văn cổ của dân tộc mình, những tấm vải bà dệt được với những đường nét hoa văn sắc xảo và đậm nét. Cũng đã ngoài 70 tuổi nên bà chỉ ở nhà trông cháu, làm việc nhà, thỉnh thoảng lúc rảnh cũng dệt vải để kiếm thêm thu nhập trong cuộc sống.

(Aduôn Soan, đang trong công đoạn để tiến hành dệt hoa văn trong bộ thổ cẩm)

Bà kể, bà rất muốn truyền lại nghề dệt của mình cho những đứa cháu gái của mình nhưng tụi nó chẳng tha thiết với nghề này và độ tiếp thu rất chậm, trong buôn ngày xưa hàng chục những người phụ nữ già trẻ đều dệt vải nhưng giờ thì hầu như đã không còn.

Hơn 60 tuổi, bà H’ Yơm Niê (Amí Mnga) là thế hệ sau biết dệt các loại váy áo và hoa văn của dân tộc mình, hiện nay cuộc sống hiện đại và đầy đủ hơn nên việc dệt thổ cẩm bà không thường xuyên làm nữa, nhưng bà không bao giờ quên các quy trình để dệt một tấm thổ cẩm và hoa văn của dân tộc mình.

Hiện nay, việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Êđê tại buôn Tliêr còn gặp nhiều khó khăn. Trong buôn nói riêng và trên địa bàn xã nói chung chưa có lớp truyền dạy nghề dệt truyền thống, những phụ nữ trung niên chỉ biết dệt thông thường, không biết dệt các loại hoa văn của dân tộc mình. Do hiện nay, cuộc sống đã dần đủ đầy, nhu cầu sử dụng đồ thổ cẩm của người dân ngày một ít đi, để làm xong một bộ đồ thổ cẩm thì phải trải qua nhiều công đoạn, khá vất vả và lâu dài còn giá cả bán được thì lại thấp.

Ông Y Biêr Êban, buôn trưởng buôn Tliêr cho biết: Trong buôn bây giờ chỉ còn 2 người thường xuyên dệt thổ cẩm, lớp trẻ bây giờ không một ai biết đến nghề truyền thống này, nó đã dần mất đi trong sinh hoạt hằng ngày của đời sống người đồng bào, mỗi khi đến dịp có lễ hội, những ngày lễ quan trọng của đất nước thì họ lại đi mượn những nhà có đồ truyền thống để mặc, toàn những bộ đồ được cách tân từ chất liệu vải khác, số còn lại không có để mà mặc. Trong những dịp cưới hỏi, ma chay thổ cẩm truyền thống không thể thiếu và cũng không thể thay thế bằng những loại hình khác, vì nó đã là đặc trưng đại diện của một dân tộc, là cội nguồn, là hồn cốt, là truyền thống của người Êđê. Vậy nên, cần mở những lớp truyền dạy nghề dệt tại các buôn làng, để lớp trẻ được sớm tiếp cận với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, học được những cái cơ bản, để không bị mai một bản sắc văn hoá vốn đã trường tồn qua nhiều thế hệ.

 

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang