Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 15/11/2023

Những cô giáo mầm non hết lòng vì học sinh vùng sâu

 

           25 năm gắn bó với nghề, trải qua bao khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Nguyễn Thị Mỹ Hội Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng, phụ trách trường Mẫu giáo Hòa Phong (Krông Bông) vẫn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” được mọi người tin yêu, quý mến.

          Năm 1999, cô Nguyễn Thị Mỹ Hội được xã chọn đi học lớp Sư phạm mầm non diện “cắm bản”, ra trường cô được phân công dạy tại điểm trường Buôn Ngô A, một buôn người dân tộc MNông thuộc căn cứ Cách mạng H9 (Krông Bông), cách xa trung tâm xã 4 km, ngày ấy nhận thức của người dân trong buôn về cấp học mầm non còn chưa được coi trọng, cộng với đa số trẻ em chưa biết tiếng phổ thông, đường sá đi lại khó khăn nắng bụi, mưa bùn nhiều đoạn đường phải đi qua những chiếc cầu khỉ chông chênh, lớp học chỉ là 1 gian nhà tranh, tre, nứa, lá, đồ dùng học tập cũng chẳng có gì…Đặc biệt, thời kỳ ấy giáo viên “cắm bản” chỉ được hưởng phụ cấp 441.000 đồng, trong đó Nhà nước chi trả 60% còn lại 40% là đóng góp của phụ huynh. Nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ và mong muốn được cống hiến sức mình cho sự nghiệp “trồng người” ngay trên quê hương mình, cô Hội không ngừng trau dồi chuyên môn để thích ứng với môi trường, đổi mới phương pháp dạy phù hợp với tâm sinh lý của học sinh dân tộc thiểu số.

          Cô Hội chia sẻ: Sau hơn 15 năm là giáo viên trực tiếp đứng lớp, bước chân của cô đã đi đến nhiều điểm trường khó khăn của xã, khi thì dạy ở Buôn căn cứ CM (buôn Ngô A), khi thì dạy ở thôn đồng bào di cư ngoài kế hoạch (thôn Noh Prông, thôn Ea Khiêm), cách xa điểm trường chính 9 km. Để mang được con chữ đến với trẻ cô Hội phải đi sớm về muộn, đến từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp, nhiều hôm trời mưa không thể đi vào thôn được, bà con đã dùng tre, nứa kết thành bè ra tận suối đưa cô đến lớp, chính những tình cảm quý báu ấy đã giúp cô có thêm nghị lực gắn bó với những điểm trường khó khăn…

          Với những nỗ lực của bản thân nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và  nhiều Giấy khen. Năm 2015, cô được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng và tháng 1/2017 cô Nguyễn Thị Mỹ Hội đã được  đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dù trên cương vị công tác nào, cô Nguyễn Thị Mỹ Hội cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ  bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết… 

           Còn cô giáo trẻ Trần Thị Thanh Thuyên, 34 tuổi, hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn trường. Năm 2011, cô tốt nghiệp lớp Trung cấp trường Sư phạm Mầm non Đăk Lăk và được phân công về dạy tại điểm trường Buôn Ngô A. Gần 12 năm công tác, trong đó có 6 năm đứng lớp ở các điểm trường vùng đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch và buôn căn cứ H’Ngô A, ở đâu cũng có một điểm chung là thiếu hụt những dịch vụ cần thiết cho đời sống và công tác giảng dạy.

          Vì thế, cô Thanh Thuyên không ngừng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các tài liệu, sách báo, cải tiến những sáng kiến kinh nghiệm nâng cao kiến thức và tìm ra những hình thức dạy học phù hợp, thường xuyên sử dụng những tư liệu hình ảnh minh họa, với phương pháp trực quan sinh động giúp cho học sinh nắm vững nội dung bài học tốt hơn.

          Để có đồ dùng dạy học, cô tự bỏ tiền nhà ra mua vật liệu về làm, kết quả có 1 sản phẩm về chủ đề môi trường đạt giải nhì cấp huyện. Nhiều đồng bào Mông kinh tế còn khó khăn, mang con lên nương rẫy ở cùng gia đình, sau giờ dạy cô phải vượt qua nhiều khu vực đồi núi cao đến vận động phụ huynh gửi con về cho người thân để có điều kiện đến lớp.

          Năm học 2014-2015, cô Thuyên là 1 trong 2 cô của trường xung phong đảm nhận lớp học bán trú đầu tiên của xã, hàng ngày cấp dưỡng mang cơm đến lớp, sau khi cho các cháu ăn xong, đi ngủ trưa, lúc đó cô mới ăn và dọn dẹp rửa chén bát, một số phụ huynh đồng bào dân tộc không có tiền đóng tiền ăn, cô cũng bỏ tiền nhà nộp cho học sinh, đến khi có mùa màng phụ huynh thanh toán sau. Ngoài ra, đối với các lớp đồng bào DTTS mỗi tuần có 7 tiết học tăng cường tiếng Việt, rồi việc hàng năm 2 lần đi điều tra độ tuổi trong khu vực dân cư, chưa kể đến nhà cô ở cách xa điểm trường 25 km, hàng ngày cô phải vượt 50 cây số (cả đi lẫn về) để đem được con chữ đến với trẻ vùng sâu. Năm 2016, cô cũng đã hoàn thành chương trình Đại học tại trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

          Cô Thuyên chia sẻ: Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ cô sờn lòng, nản chí, chính nhờ có sự yêu thương của đồng nghiệp, được học sinh yêu quý và phụ huynh tin tưởng, món quà quý giá ấy đã giúp cho cô có nghị lực vượt qua. Nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi, được UBND Huyện tặng 4 Giấy khen, 2 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, là điển hình tiên tiến được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước huyện Krông Bông 2015-2020…

          Năm 2018 cô được kết nạp vào Đảng, được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã khóa XI (nhiệm kỳ 2021 -2026). 

          Hai tấm gương điển hình của trường Mẫu giáo Hòa Phong chưa thể nói hết được sự cống hiến thầm lặng của các cô giáo mầm non, nhưng đó là những tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người” ở vùng sâu thật đáng trân trọng./.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang