Những chuyển biến tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” tại huyện Krông Bông
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác gia đình trên địa bàn huyện Krông Bông đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, công tác gia đình của huyện trong 15 năm qua luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, từ huyện đến cơ sở được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, nhờ vậy nhận thức của người dân được nâng cao rõ rệt, các gia đình đã thấy được bổn phận và trách nhiệm trong việc xây dựng nếp sống văn minh – gia đình văn hoá.
Cuộc vận động xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ; vai trò, trách nhiệm của các bậc ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi trong gia đình được thể hiện rõ; các phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn; ý thức cộng đồng, việc chấp hành pháp luật, tinh thần đóng góp xây dựng xã hội được phát huy. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng gia đình và tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình.
Hội fồng đội huyện tặng quà cho trẻ em nghèo vượt khó
Công tác giáo dục đời sống gia đình được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với công tác gia đình. UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2012 - 2015”, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020"... Thông qua việc triển khai thực hiện các đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của gia đình; xây dựng các hành vi ứng xử văn hóa, văn minh, tuân theo luật pháp, tôn trọng quy định, quy ước; cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành nuôi dạy con tốt, hạn chế đáng kể tình trạng trẻ em ở độ tuổi vị thành niên vi phạm đạo đức, pháp luật, mắc tệ nạn xã hội và thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiên bộ, hạnh phúc và bền vững.
Cùng với đó, các tổ hòa giải, câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng được thành lập và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, hạn chế đáng kể các tranh chấp dân sự, tích cực vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, phòng ngừa tội phạm, củng cố tình làng, nghĩa xóm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo tinh thần Chỉ thị 16/2008/CT- TTg, ngày 30/5/2008 và Nghị định 08/2009/NĐ-CP, ngày 04/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ . Toàn huyện đã mở 20 lớp quán triệt, học tập Luật và Nghị định hướng dẫn phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức về giới cùng với việc xây dụng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã, thị trấn. Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều xã, thị trấn thành lập mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 25 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 01 tổ tư vấn về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở xã Yang Reh, 01 địa chỉ tin cậy ở xã Dang Kang với 703 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình trên, các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình đã được tiến hành can thiệp xử lý như: Góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc, tiến hành xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với các biện pháp xử lý đối với người gây ra bạo lực gia đình, việc tổ chức các hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân đã được quan tâm. Số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện có xu hướng giảm: năm 2015 trên địa bàn huyện xảy ra 97 vụ bạo lực gia đình, năm 2016 giảm còn 80 vụ, năm 2017 còn 65 vụ, năm 2018 còn 46 vụ và năm 2019 còn 12 vụ.
Trong 15 năm qua, huyện đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo và đạt được kết quả đáng kể. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, kinh phí cho công tác giảm nghèo là 459,5 tỷ đồng với nhiều Chính sách chung và các Chương trình, chính sách giảm nghèo đặc thù của huyện.Tính đến tháng 12/2019, riêng Hội phụ nữ huyện đã tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho 3.171 hộ hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với tổng dư nợ 104.970 triệu đồng…
Các ban, ngành, đoàn thể ở huyện có các phong trào tiêu biểu như: Hội Nông dân có phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá”; Hội Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình tiến bộ và hạnh phúc”; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu xây dựng gia đình văn hoá”; ngành Giáo dục có phong trào “Xây dựng trường học văn hoá”; xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”…
Từ hiệu quả của các mô hình trên, Huyện Krông Bông đã xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình học tập, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Quy mô gia đình ít con đã được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong xã hội, tỷ lệ gia đình có qui mô nhỏ (mỗi cặp vợ chồng có 1 đến 2 con) ngày càng tăng, được thể hiện qua tỷ suất sinh thô năm 2019 là 18%o, giảm 4,32%o so với năm 2005; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2019 là 18,5%, giảm 1,82% so với năm 2005.
Năm 2005, có 15.200 gia đình đăng ký thực hiện và đã có 11.123 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) thì năm 2019 có trên 20.000 gia đình đăng ký thực hiện và đã có 15.300 gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “gia đình học tập” tăng từ 1.524 hộ năm 2005 lên 12.147 hộ năm 2019. Số hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” tăng từ 2.301 hộ năm 2005 lên 6.350 hộ năm 2019.
Đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ngày càng được cải thiện đáng kể, trẻ em được gia đình quan tâm, nhất là trong giáo dục hình thành và phát triển nhân cách. Tỷ lệ gia đình thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tăng lên trên 92%. 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ. Tỷ lệ gia đình được giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình trong ổn định và phát triển xã hội ngày càng tăng…Những kết quả đạt được trong công tác gia đình thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém:
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình nhất là từ sau khi giải thể Ủy ban dân số gia đình và trẻ em các cấp (năm 2008).
Công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) chưa thực sự đi vào chiều sâu và chưa có hiệu quả cao;Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tệ nạn xã hội và tình trạng trẻ em bị xâm hại đang có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, cho thấy sự thiếu bền vững trong kết cấu gia đình (năm 2005 toàn huyện có 24 vụ ly hôn, đến năm 2010 có 34 vụ ly hôn, năm 2015 có 78 vụ ly hôn, đến năm 2019 toàn huyện có 144 vụ ly hôn)…
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư, huyện Krông Bông đã rút ra một số bài học kinh nghiệm: Thực tế cho thấy nơi nào có sự lãnh đạo, quan tâm sâu sát của cấp uỷ, chính quyền, có cán bộ công tác gia đình nhiệt tình, năng động, đi sâu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng thì ở đó công tác quản lý nhà nước về gia đình đạt hiệu quả cao.
Các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể cần xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình hiện nay trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Gia đình phải là tổ ấm, hạnh phúc, trở thành pháo đài phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và là tế bào thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật, như: Luật phòng chống bạo lực gia đình, luật bình đẳng giới, kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình... Đồng thời, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các chương trình văn nghệ, hội nghị, hội họp khác của địa phương để mọi tầng lớp nhân dân nắm bắt và hiểu rõ hơn về công tác gia đình.
TH