Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 05/03/2024

Những “cánh tay nối dài” đắc lực của y tế vùng sâu

          Là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, giúp người dân nắm bắt những kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở cơ sở, thì không thể thiếu những “cánh tay nối dài”, đó là đội ngũ nhân viên y tế thôn, buôn.

          Dù mới có thâm niên 5 năm làm nhân viên y tế buôn, nhưng chị H On Byă, 36 tuổi, dân tộc Êđê, ở buôn Cư Drăm (xã Cư Drăm) đã được đồng nghiệp và người dân trong buôn quý mến bởi sự nhiệt tình, năng nổ và sự hoạt bát trong công việc.

           Buôn Cư Drăm có 7 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào Êđê, với 254 hộ, 1181 nhân khẩu, do địa bàn rộng, ngôn ngữ bất đồng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị H On Byă ít khi ở nhà, lúc thì đi vận động bà con trong buôn giữ gìn vệ sinh môi trường, khi thì tuyên truyền hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, rồi vận động các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng hay đưa trẻ đến địa điểm cân trẻ theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ…

          Chị H On Byă cho biết: Toàn buôn có 253 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó: có 68 trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, hàng tháng ngoài việc đến từng nhà gửi thông báo cho bà mẹ, thì đến ngày tiêm chủng chị lại có mặt tại trạm Y tế xã để nắm bắt thông tin, nếu phát hiện có những trẻ chưa tiêm, chị phải đến tận nhà vận động bà mẹ đưa trẻ đi tiêm đúng hạn, nhờ vậy, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của buôn luôn đạt từ 89% trở lên…

          Thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, hàng tháng chị trực tiếp tổ chức cân nặng cho trẻ tại nhà Văn hóa cộng đồng, nếu thuận lợi thì mỗi tháng cũng phải kéo dài gần 2 ngày, trường hợp những trẻ chưa cân chị phải sắp xếp  thời gian thích hợp đến nhà cân cho trẻ, vì ban ngày trẻ theo cha mẹ lên nương rẫy, còn ban đêm nếu đến muộn thì trẻ lại đi ngủ. Ngoài ra, buôn Cư Drăm có nhiều hộ tạm trú, số đồng bào dân tộc Mông chưa có thói quen đưa trẻ đi tiêm chủng và cân theo dõi tình trạng suy dinh dưỡng, nên phải tốn nhiều thời gian giải thích, những lần như thế thời gian thường kéo dài trên ba ngày…

          Tuy công việc nhiều như vậy, nhưng hiện nay phụ cấp hàng tháng cho nhân viên y tế thôn, buôn chỉ được 894.000 đồng, với khoản phụ cấp này cũng chỉ vừa đủ tiền xăng xe… song chị H On Byă rất vui vì luôn được bà con trong buôn yêu thương, đó cũng chính là động lực để chị tiếp tục với công việc vất vả này.

          Tương tự như chị H On Byă, chị Mai Kim Anh 38 tuổi, dân tộc Tày , nhân viên y tế buôn Khóa (Cư Pui) cũng luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc được giao. Không chỉ giúp Trạm Y tế xã theo dõi tình hình sức khỏe của những người mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, chị Kim Anh còn tích cực hướng dẫn người dân trong buôn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vận động những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, đối với những thai phụ chị kịp thời tiếp cận, vận động thăm khám định kỳ, những lúc thời tiết thay đổi, trẻ em và những người cao tuổi dễ bị mắc bệnh, chị đến từng gia đình hướng dẫn cách phòng chống các bệnh viêm đường hô hấp…

          Chị cũng thường xuyên phối hợp với Chi hội Phụ nữ buôn triển khai thực hiện các phong trào vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng, những năm qua trên địa bàn buôn Khóa không xảy ra dịch bệnh, các chương trình y tế quốc gia đều thực hiện có hiệu quả.

          Với thâm niên 11 năm là nhân viên y tế buôn Ngô A (Hòa Phong) chị H Vil Liêng, 37 tuổi, dân tộc MNông tâm sự: Nhiệm vụ của y tế thôn, buôn ngoài việc hỗ trợ Trạm Y tế cơ sở thực hiện các Chương trình Y tế quốc gia như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh,  phòng chống Suy dinh dưỡng, chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em, thì nhân viên y tế buôn còn làm công tác y tế dự phòng…Những năm qua, chị H Vil Liêng tích cực tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hướng dẫn chuyên môn do Trung tâm Y tế Huyện và Trạm Y tế xã tổ chức, chị luôn gần gũi dân, nắm bắt  phong tục tập quán, góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp với bà con. Trong công tác tuyên truyền chị thực hiện tốt phương châm “mưa dần thấm lâu” nên nhiều chỉ tiêu hoàn thành tốt.

          Phó trưởng trạm Y Tế xã Hòa Phong Trần Thị Quảng Nhiển nhận xét: Chị H Vil Liêng là một nhân viên y tế buôn rất có trách nhiệm, khi được giao công việc, chị luôn sắp xếp hoàn thành đúng thời gian với chất lượng tốt. Trước đây, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng mở rộng của buôn Ngô A đạt thấp nhất trong xã, thì nhiều năm nay đã đạt gần 90%; qua làm tốt công tác vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai nên tỷ suất sinh thô hàng năm giảm còn  13,5 ‰.

         Trong đợt dịch Covid, chị cũng đã tích cực tuyên truyền vận động các gia đình có con em đi làm ăn xa trở về thực hiện đầy đủ các quy định về cách ly tập trung, phối hợp với Trạm Y tế xã lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, chăm sóc y tế cho các đối tượng cách ly tại nhà…Nhiều năm liền chị H Vil Liêng được các cấp biểu dương, khen thưởng./.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang