Những “Bảo tàng” ở buôn làng
Chiêng, Ché, Kpan là những vật dụng rất quý đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ngoài giá trị vật chất thì nó còn có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa của đồng bào, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho những vật dụng này càng ngày càng thưa dần trong đời sống của nhiều gia đình…
Từ thuở xa xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, huyện Krông Bông nói riêng, đã biết thổi hồn vào cồng chiêng để tạo ra những âm thanh kỳ diệu, khi thì ngân nga sâu lắng, khi thì thôi thúc, trầm bổng rất độc đáo, nó đã thấm sâu vào trong tâm trí của con người Tây nguyên và trường tồn cùng năm tháng cho mãi đến ngày nay.
Bà Ami Khê (buôn Tlier) bên một số hiện vật
Cùng với cồng chiêng thì những chiếc Ché, chiếc Kpan cũng được đồng bào quý trọng, có những chiếc ché cổ có giá trị bằng cả con trâu được nhiều gia đình lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Theo truyền thuyết của người Êđê, Kpan nghĩa là “Con rết”, chỉ những gia đình giàu có về vật chất, nhiều trâu, heo, gà, gạo lúa và là gia đình có uy tín mới được làm Kpan, tùy theo chiều dài của ngôi nhà sàn, Kpan thường dài từ 5 mét trở lên, có những chiếc dài đến hơn chục mét, sau khi được Già làng đồng ý, gia chủ thực hiện các nghi lễ cúng thần rừng, thần cây, sau đó chỉ bằng những dụng cụ thô sơ là chiếc rìu, chiếc xà gạc hạ cây, đục đẽo hàng năm trời mới tạo nên chiếc Kpan (mỗi khi gia đình làm cúng thì chiếc Kpan thường là nơi dành cho các nghệ nhân ngồi đánh chiêng). Thế nhưng, cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường, cùng các yếu tố khách quan khác, khiến cho không gian văn hóa cồng chiêng đang dần mai một trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa, nhiều chiêng, ché cổ và Kpan có tuổi đời hàng trăm năm cũng bị bán đi không thương tiếc.
Tuy vậy, với ý thức giữ gìn như một báu vật, nhiều gia đình ở các buôn làng vùng sâu vẫn còn lưu giữ khá nhiều chiêng, ché cổ và Kpan, trở thành những “Bảo tàng” không tên ở buôn làng.
Xã Cư Pui hiện có 5 buôn là đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê và Mnông với 734 hộ, 3.519 khẩu, qua khảo sát 5 buôn còn 29 bộ cồng chiêng đủ bộ (10 chiếc) trong đó riêng buôn Đăk Tuôr tuy có 130 hộ nhưng còn lưu giữ được 17 bộ, chiếm tỷ lệ 58%...
Bà H Drê Mdrang (thường gọi Ađuôn Phú ) dân tộc Mnông, năm nay 70 tuổi ở buôn Đak Tuôr là một người còn lưu giữ khá nhiều báu vật cho biết: Tôi là con gái đời thứ sáu của người chủ bến nước đầu tiên trong buôn, được dòng họ để lại rất nhiều đồ vật có giá trị bao gồm 1 bộ chiêng (10 chiếc và trống); 1 chiếc ché Tang (Sdrang); 1 chiếc ché Bôr, 1 bộ Gơng Diêng, 1 bộ Kpan… biết hoàn cảnh của gia đình tôi còn nhiều khó khăn, vẫn đang ở trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, đã có rất nhiều người đến xin mua với giá rất cao, nhưng tôi nghĩ rằng tiền bạc bao nhiêu rồi ăn tiêu cũng hết, nhưng báu vật thì không bao giờ có lại được, vì thế tôi thà túng thiếu chứ quyết không bán…
Tương tự, ở xã Hòa Phong có 4 buôn là đồng bào Êđê, Mnông, với 515 hộ, qua khảo sát đầu năm 2020, toàn xã còn 24 bộ cồng chiêng. Nhằm tạo ra không gian văn hóa cồng chiêng, hàng năm, buôn Tliêr (Hòa Phong) tổ chức và phục hồi được nhiều lễ hội vòng đời, vòng sản xuất nông nghiệp như: Lễ mừng thọ, lễ cúng bến nước, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng hồn lúa, cúng cơm mới… nhờ vậy mà các nghệ nhân có dịp diễn tấu cồng chiêng. Theo thống kê, hiện tại Buôn Tliêr còn gìn giữ được 18 bộ cồng chiêng, chiếm đến 75% so với tổng số cồng chiêng trong xã; trong đó có 2 gia đình lưu giữ đến 2 bộ chiêng cổ, nhiều ché tang, ché túc, ché bôr, những đồ dùng bằng đồng và Kpan giá trị.
Bà H Rues Niê (thường gọi Amí Khê), dân tộc Êđê. ở buôn Tliêr, năm nay 80 tuổi, là chủ nhân của 2 bộ chiêng cổ (mỗi bộ đủ 10 chiếc), 3 chiếc ché tang (sdrang) cao hơn 1 mét, cho biết: Cách đây trên 50 năm, cha mẹ bà mua các vật dụng đó trị giá 1 con voi, sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, gia đình bà hồi cư từ buôn Ea Yông B (Krông Păk) về buôn Tliêr, đường sá đi lại lúc đó còn rất khó khăn, vì số lượng nhiều nên mọi người trong gia đình bà phải chia ra, gùi nhiều lần trên lưng đi bộ trên 30 cây số, mới mang hết về được. Khi làm xong ngôi nhà dài, gia đình bà làm thêm chiếc Kpan dài hơn 10 mét. Gia đình bà luôn coi những vật dụng của ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu là vật thiêng liêng, cho dù có những lúc chồng, con bà thường xuyên đau ốm, chỉ cần bán bớt một bộ chiêng, sẽ giải quyết được khó khăn, thế nhưng, các thành viên trong gia đình bà quyết giữ lại cho con cháu…
Còn ở buôn Ngô A (Hòa Phong) trước đây có hàng chục bộ cồng chiêng, nhưng sau khi những người cao tuổi qua đời, phần thì bị kẻ xấu trộm cắp, phần thì do con cháu bán đi, nên hiện tại chỉ còn 3 bộ, trong đó gia đình ông Y Suôm Niê còn giữ được nguyên vẹn 1 bộ cồng chiêng, 1 chiếc ché túc, kpan và một số vật dụng khác thường dùng trong các nghi lễ cúng của gia đình. Đặc biệt, tất cả các gia đình có hiện vật đều được lưu giữ cẩn thận trong nếp nhà sàn cổ kính.
Với những nỗ lực gìn giữ hiện vật của các gia đình ở buôn làng hiện nay, chính là những “Bảo tàng” không tên, góp phần giáo dục cho lớp trẻ biết trân trọng những giá trị văn hóa vật thể của cha ông để lại ./.
Mai viết Tăng