Nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn huyện Krông Bông đến năm 2045
Ngày 17/8/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Bông ban hành Kế hoạch 159 – KH/HU về “triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, theo đó xác định nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn huyện Krông Bông đến năm 2045 khoảng 10.000 người.
Đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn để có kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp, thương mại, dịch vụ; cùng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, đạt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng năm các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Qua khảo sát, đến nay trên địa bàn huyện có tổng dân số trên 100.900 người. Số người có nhu cầu học nghề đến năm 2030 là 4.060 người và tầm nhìn đến năm 2045 khoảng 10.000 người. Trong đó, nhu cầu cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân đến năm 2030 như sau: Sửa chữa máy nông nghiệp: 420 người; May dân dụng: 490 người; Kỹ thuật nấu ăn: 385 người; Xây dựng dân dụng: 420 người; May công nghiệp: 350 người; Trồng và chăm sóc cây Cà phê: 280 người; Trồng và chăm sóc cây Tiêu: 175 người; Trồng và khai thác nấm: 245 người; Chăn nuôi Heo: 385 người; Chăn nuôi Trâu, Bò: 420 người; Chăn nuôi Gà: 245 người; Chăn nuôi Dê: 245 người.
Với nhu cầu cụ thể được đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân địa phương đến năm 2030 như trên đòi hỏi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cần thường xuyên cập nhật chương trình dạy, giáo trình đào tạo “chuẩn đầu ra”; chương trình theo khung chương trình của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình theo giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để tham khảo các tài liệu, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn nghiên cứu, học hỏi; đồng thời khai thác thêm các kiến thức thiết thực trên các tài liệu khác như: Sách tham khảo, các trang mạng chuyên đề, thông tin đại chúng... Từ những kiến thức tổng hợp trên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tiếp tục biên soạn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trở thành giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn huyện; thường xuyên cập nhật những nội dung, chương trình mới để bám sát với nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học, để dạy nghề cho lao động nông thôn luôn gắn chặt với thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới hội nhập và phát triển.
Để người dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia các lớp dạy nghề nông thôn, cần tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức đến các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân về công tác đào tạo nghề, việc làm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, phù hợp với từng địa phương trên địa bàn huyện. Đề nghị các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cần chủ động phối hợp giúp cho người dân nông thôn tiếp cận được các lớp đào tạo, dạy nghề và bằng những hình thức phù hợp tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả đến với người dân nông thôn. Bên cạnh đó khuyến khích việc truyền nghề, quan tâm hỗ trợ việc phát triển truyền nghề ở các làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện. Tranh thủ các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích đầu tư sự đóng góp và sáng kiến phát triển sự nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để có tay nghề sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Lâm Viên