Người phụ nữ yêu nghề truyền thống
Về buôn Ja xã Hòa Sơn huyện Krông Bông, gặp người phụ nữ đang cần mẫn với nghề truyền thống mới thấy hết được tình yêu nghề và sự nỗ lực trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc riêng của dân tộc.
Tìm đến nhà bà H’Vinh Ding hay thường gọi là amí Nach ở buôn Ja xã Hòa Sơn, khi tôi ghé thăm nhà thì lúc bà đang ngồi bên khung dệt để hoàn thành bộ áo váy thổ cẩm trong ngôi nhà sàn của mình, dù năm nay bà gần 60 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt dệt từng đường chỉ, từng nét hoa văn sắc sảo, bà H’Vinh đã có hơn 44 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Bà H’Vinh kể lại: “ Từ nhỏ không may mẹ mất sớm nên bà được người bác ruột nuôi nấng, chỉ dạy cách dệt thổ cẩm và nấu rượu cần truyền thống để phục vụ gia đình, buôn làng, không dừng lại ở đó mà bà còn học hỏi thêm từ các bà các mẹ, các nghệ nhân trong buôn làng nên năm 13 tuổi thì bà cũng đã bắt đầu học dệt để tự tay làm những chiếc khăn và dần dần dệt những tấm áo, váy, chiếc chăn cho người thân trong gia đình. Không những thế, những lúc nông nhàn bà lại nhận dệt cho những người dân trong buôn làng có nhu cầu mua sử dụng để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Cứ thế, đến nay thì bà luôn duy trì nghề dệt thổ cẩm này, sản phẩm thổ cẩm của bà được nhiều người biết đến. Trước đây, nhu cầu của người đặt mua nhiều hơn, nhưng bây giờ nhu cầu mua càng ngày càng ít nên bà chỉ tranh thủ trong lúc rảnh rỗi mới ngồi dệt ra, rồi may sẵn để dùng hoặc để bán, tiền công dệt không cao, nhưng vì đam mê nên bà muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Bà H Vinh đang ngồi bên khung cửi dệt
Với bà H Vinh, ngoài việc dệt thổ cẩm bà còn gắn bó với nghề nấu rượu cần truyền thống đã 20 năm nay. Trước đây, bà chỉ nấu rượu để phục vụ gia đình, đón tiếp khách quý đến chơi nhà hoặc buôn làng khi có việc cần dùng. Những ché rượu cần của bà nấu đúng vị truyền thống được mọi người uống khen ngon, rồi bà mới mạnh dạn làm để bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, lâu dần nhiều người biết cũng tìm đến đặt mua, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Khi nhu cầu mỗi lúc một nhiều, bà luôn làm sẵn để khách cần thì có ngay.
Buôn Ja xã Hoà Sơn là một buôn đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay số người biết dệt thổ cẩm, biết nấu rượu cần càng ngày càng ít đi, bởi phần lớn những người biết dệt, biết nấu rượu cần đều đã cao tuổi. Với tình yêu và sự nỗ lực giữ nghề truyền thống của bà, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ và nhắc nhở con cháu nhận thức và quan tâm hơn với những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông.
Diăk Ayun