Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 03/11/2022

Người “níu giữ hồn chiêng” ở buôn làng

 

Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ thông thường, mà nó còn là phương tiện nối liền con người với thần linh từ khi sinh ra cho đến khi giã biệt cõi đời, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, cũng như trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ mừng cơm mới v.v…trong sinh hoạt cộng đồng hay trong một buổi nghe các bậc cao niên kể khan đều phải có tiếng cồng chiêng.

Tuy tuổi đời mới 55, nhưng nghệ nhân Y Bê Niê ở buôn Tliêr (Hoà Phong) không chỉ là người truyền dạy đánh chiêng cho lớp trẻ mà ông còn được mọi người biết đến là người trẻ tuổi duy nhất biết chỉnh chiêng ở buôn làng.

Ngay từ thuở bé mỗi lần theo cha đi đến các lễ hội, chính những điệu cồng chiêng uyển chuyển như “dòng sữa mẹ” đã  cuốn hút ông lúc nào không biết. Năm lên 10 tuổi, ông muốn học đánh chiêng, nhưng theo phong tục của đồng bào chỉ được sử dụng cồng chiêng vào những dịp lễ cúng, nên ông được người cậu ruột nhặt những ống cắt tút đạn 105 ly bằng đồng, đem về chỉnh lại âm thanh vang như bộ chiêng (Ching knah) sau đó đưa ra ngoài rẫy tập, năm 20 tuổi ông đã đánh thành thạo các bài cồng chiêng cơ bản trong các lễ hội, chính những âm thanh lúc trầm, lúc bổng đã ăn sâu vào tâm trí cộng với lòng đam mê nên 5 năm sau ông đã biết chỉnh chiêng.

Nghệ nhân Y Bê Niê chỉnh chiêng

Ông Y Bê Niê cho biết: Cồng chiêng rất có hồn, muốn sử dụng phải hiểu chúng và xem chúng như người bạn thân thiết của mình, có như thế thì hồn mình và hồn chiêng mới hòa quyện vào nhau, tạo ra âm thanh khi thì ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, trầm bổng rất độc đáo... Còn để chỉnh được một bộ chiêng ngoài việc có đôi tai tinh tường để thẩm âm thì đòi hỏi người chỉnh chiêng phải có năng khiếu, khéo léo, chịu khó và tỷ mỉ, nếu vội vàng sẽ không chỉnh được chiêng mà càng làm chiêng thêm lạc tiếng. Chính vì thế, khi muốn sửa lại chiêng, nghệ nhân phải đánh lại toàn bộ bộ chiêng để xác định được vị trí lạc tiếng, sau đó kê chiêng lên, dùng dùi gỗ tác động trực tiếp vào vị trí chiêng hư để sửa, sau khi đã chỉnh nghệ nhân phải ra ngoài cách xa khoảng 20 mét để nghe cho chuẩn xác, nếu chưa đạt phải tiếp tục chỉnh sửa lại…

Thời gian chỉnh chiêng lâu hay nhanh phụ thuộc vào khả năng thẩm âm của người chỉnh chiêng, có những chiếc chiêng sửa rất nhanh chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ, nhưng đối với những bộ chiêng cổ nếu bị lạc âm, phải dùng vật sắc bén để cạo lớp đồng ôxy hóa trên bề mặt chiêng nên  thời gian kéo dài nhiều ngày…

Trong suốt 30 năm qua, ngoài việc truyền dạy đánh chiêng, thổi kèn Đing Năm, hát Aray… ông Y Bê Niê cũng đã chỉnh được hàng chục bộ chiêng cho những gia đình trong và ngoài xã, năm 2018, ông được cấp Giấy chứng nhận Nghệ nhân chỉnh chiêng.

Ông Y Wí Byă, Phó chủ tịch HĐND xã Hòa Phong, cũng là người ở trong buôn Tliêr chia sẻ: Nếu những người đánh cồng chiêng được ví như người “giữ lửa” thì những người chỉnh chiêng được xem như người “giữ hồn” cho cồng chiêng. Buôn Tliêr hiện còn 15 bộ cồng chiêng, số lượng người biết đánh cồng chiêng thì nhiều, nhưng người trẻ tuổi biết chỉnh chiêng được công nhận Nghệ nhân thì chỉ có một Y Bê Niê, đây cũng là điều đáng mừng song đó cũng là điều trăn trở, ông và bà con trong buôn mong sao các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa việc tổ chức các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho lớp kế cận./. 

Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang