Người giữ báu vật của cha ông
Ông Y Siêk Niê, thường gọi Ama Klih 69 tuổi ở buôn Mnang Tar, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, trong ngôi nhà dài của ông chứa những báu vật của đồng bào Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông nói riêng, những chiếc ché; bộ chiêng và ghế Kpan, Jhưng, Hgơr... được sắp xếp gọn gàng và cất giữ cẩn thận.
Là người già trong buôn Ông Y Siêk Niê luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao, làm thế nào? để gìn giữ những vật dụng mang tính bản sắc riêng của người Tây Nguyên cho con cháu đời sau. Hiện trong gia đình ông Y Siêk Niê đang lưu giữ 2 bộ chiêng Knah (12 cái); với 6 chiếc chiêng Char; 1bộ chiêng Núm (3 cái); 1 chiếc nồi đồng; 1 chiếc giường Jhưng; 1 chiếc trống Hgơr cùng với khoảng 20 ché rượu cần các loại, đặc biệt trong đó có 2 ché cổ (ché Jông và ché Bah) hàng trăm năm đã qua nhiều thế hệ của gia đình, những vật dụng mà ông và gia đình luôn trân trọng và xem đó như báu vật cần được bảo vệ. Đến với buôn Mnang Tar, không chỉ gia đình ông Ysiêk Niê mà còn nhiều hộ gia đình trong buôn cũng vẫn còn lưu giữ được những báu vật quý như vậy. Buôn Mnang Tar hiện có 282 hộ gia đình, là buôn có nhiều hộ gia đình còn lưu giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống của người M’nông với khoảng 38 bộ chiêng; 38 chiếc ghế Kpan, giường Jhưng; 8 chiếc trống Hgơr và 54 ngôi nhà dài truyền thống...
Trò chuyện với chúng tôi ông YSiêk lấy trong nhà ra bộ cồng chiêng và những chiếc ché mà bấy lâu ông giữ gìn như báu vật, ông chia sẻ :“Tôi quý nhất là 2 ché cổ, không biết chúng có từ bao giờ mà chỉ biết đây là bộ ché do cha ông từ nhiều đời để lại nên tôi phải có trách nhiệm giữ gìn chúng. Ông thường làm rượu cần bỏ vào ché ủ rồi đến ngày đem ra chung vui khi gia đình có việc trọng đại, những chiếc còn lại ông đã chia ra cho các con khi ra ở riêng để cùng lưu giữ . Không chỉ sở hữu bộ ché cổ, mà còn chiếc trống Hgơr, những chiếc chiêng quý cũng được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng như cưới hỏi, tang ma, mừng lúa mới, mừng nhà mới,... mang rất nhiều ý nghĩa,”. Bỗng giọng ông trầm buồn “Bây giờ thì ít sử dung lắm”. Mặc dù gia đình ít khi sử dụng nhưng ông luôn giữ gìn cẩn thận như hồn của dân tộc mình. Vì vậy thỉnh thoảng ông vẫn đưa bộ chiêng, chiếc ché ra lau chùi rồi lại cất cẩn thận vào vị trí cũ. Dù hoàn cảnh gia đình thế nào, nhưng ông nhất quyết không bán những báu vật này mà luôn cất giữ và căn dặn con cháu nhất định không được bán. Với ông những báu vật này đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của ông, vì ông giữ không chỉ để cho riêng mình mà còn cho cả con cháu, lớp trẻ mai sau.
Anh Y Ngọc Niê – Buôn trưởng buôn Mnang Tar, xã Yang Mao chia sẻ:“Vài chục năm về trước, mặc dù nhiều gia đình ở các buôn đồng bào, do một thời không biết giá trị tinh thần của các bộ chiêng, bộ ché nên họ đã bán đi, nhưng đối với bà con buôn Mnang Tar nhiều gia đình vẫn luôn coi trọng và lưu giữ nhiều vật dụng truyền thống dùng trong đời sống hằng ngày, như những chiếc ché các gia đình vẫn thường xuyên ủ rượu cần để sử dụng trong gia đình khi có việc chung vui với họ hàng, buôn làng; những bộ chiêng mặc dù không được đánh nhiều như trước đây, nhưng buôn vẫn còn duy trì các nghi lễ của dân tộc như: lễ cúng bến, lễ cúng sức khoẻ, mừng nhà mới, cúng lúa rẫy…vì họ hiểu ra rằng đây là vật quý của tổ tiên để lại nên giữ gìn cẩn thận’’
Được biết, xã Yang Mao hiện có 979 chiếc ché các loại; 298 ngôi nhà dài; 75 bộ chiêng; 82 chiếc ghế Kpan, giường Jhưng và 26 chiếc trống Hgơr. Đây là xã có số di sản văn hoá phi vật thể nhiều nhất trên địa bàn huyện Krông Bông và những người như ông YSiêk Niê luôn là lớp người già gương mẫu trong việc gìn giữ những báu vật của người đồng bào dân tộc mình nói riêng và của người Tây Nguyên nói chung./.
H’Diăk