Người “biến” phế liệu thành vật hữu dụng
Có những đồ dùng hư hỏng tưởng chừng bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ già thì nó lại trở thành vật hữu dụng. Người thợ già ấy là ông Dương Hồng (thường gọi là ông Hồng thợ mộc) 82 tuổi, ở thôn 4 xã Hòa Phong (Krông Bông).
Quê ông ở Cẩm Kim (Hội An) nơi có làng mộc Kim Bồng nổi tiếng, lớn lên ông theo nghề mộc gia dụng, với tính cần cù, chịu khó những sản phẩm do ông làm ra đảm bảo chất lượng được nhiều người ưa chuộng. Thời kỳ đồ mộc dân dụng ở nông thôn “lên ngôi”, ông thường xuyên được người dân trong vùng hợp đồng làm nhà, đóng giường, tủ, bàn ghế… tuy lúc đó ngày công có khi chỉ được quy đổi bằng sản phẩm lúa, đậu… nhưng với cái tâm của người làm nghề ông luôn giữ được chữ tín với khách hàng, ông còn được xã viên bầu vào Ban quản trị Hợp tác xã Sơn Phong (Hòa Phong) phụ trách đội ngành nghề cho đến khi Hợp tác xã giải thể.
Những chiếc xe đạp được sửa chữa, tân trang từ phế liệu
Năm 2007, hàng ngày nhìn thấy các cháu học sinh đi học bị hỏng xe dắt bộ cả quãng đường dài mà không có người sửa chữa, nắm bắt được nhu cầu đó, ông mở một tiệm sửa xe đạp tại nhà vừa có thêm thu nhập, vừa để giúp các cháu học sinh đỡ vất vả mỗi khi xe hư hỏng.
Cách đây 3 năm, con dâu ông làm nghề mua phế liệu, mỗi khi hàng về ông đều giúp con phân loại riêng từng chất liệu đồng, sắt, nhựa, đối với những phế liệu tổng hợp, ông lại phải tỷ mỷ tháo rời ra từng bộ phận riêng để tiện giao hàng cho chủ đại lý thu mua…Qua đó, ông nhận thấy có nhiều vật dụng tuy bỏ đi nhưng nếu sửa chữa phục hồi lại vẫn sử dụng tốt. mặc dù, không có chuyên môn các lĩnh vực điện tử hay động cơ, máy nổ nhưng với sự chuyên cần, chịu khó mày mò ông đã sửa chữa thành công rất nhiều vật dụng, khi là những chiếc cân bàn, khi là những chiếc máy quạt, những chiếc loa, nồi cơm điện cho đến những chiếc xe đạp…tất cả các vật dụng sau khi sửa chữa, phục hồi sử dụng tốt, bền…
Đối với vật dụng điện tử hư hỏng hầu hết đều có những lõi dây đồng, nếu để nguyên bán phế liệu thì giá trị chẳng được bao nhiêu, nên ông cẩn thận tháo rời chất liệu đồng để riêng, với giá bán hiện tại 180 ngàn đồng/ kg đồng, tương đương giá trị một ngày công lao động cũng giúp ông có thêm khoản thu nhập.
Thành quả lớn nhất mà ông Hồng ví như “lộc lá đầu năm” ngày xuân Nhâm Dần là trong đống sắt phế liệu có một chiếc máy nổ Đông phong 18 sức ngựa của một người đồng bào dân tộc mới trục vớt lên sau nhiều tháng bị chìm dưới suối, rồi “nghề dạy nghề” những kiến thức về động cơ mà ông mày mò trong thời gian qua thôi thúc ông quyết tâm sửa chữa cho bằng được, suốt cả tuần vừa tháo rời từng bộ phận vệ sinh máy, vừa thay thế phụ tùng hư hỏng, chiếc máy nổ đã hoạt động bình thường…
Ông Dương Hồng chia sẻ: Tuy kinh tế phát triển, đời sống của người dân cải thiện đáng kể, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều người khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, họ không đủ điều kiện mua sắm mới chiếc xe đạp cho con đi học, vì thế, ưu tiên hàng đầu là mỗi khi mua được những chiếc khung xe còn tốt, phụ tùng hư hỏng nhẹ, ông đều giữ lại để sửa chữa, với ưu thế giá thành thấp chỉ bằng 1/3 giá xe mua mới, trung bình một chiếc xe đạp sau khi sửa chữa, tân trang có giá dao động từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng, một chiếc cân bàn hoặc một chiếc máy quạt giá thành cũng chỉ một vài chục ngàn đến trăm ngàn đồng, nhờ vậy mà những vật dụng sau khi phục hồi đều tiêu thụ hết.
Ở tuổi 82, mặc dù con cái muốn ông được nghỉ ngơi, nhưng nhận thấy vẫn còn khỏe mạnh, trí còn minh mẫn nên ông Hồng xem công việc hiện tại không chỉ có thu nhập mà còn lấy đó làm niềm vui tuổi già./.
Mai Viết Tăng