Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 29/07/2019

Người Bí thư chi bộ tận tụy, gương mẫu

 

Kể từ khi Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên cả nước nói chung, huyện Krông Bông nói riêng, đã có hàng triệu, hàng trăm cá nhân, tập thể ở khắp mọi miền tổ quốc có những hành động, việc làm thiết thực có sức lan tỏa đến nhiều địa bàn dân cư, nhiều tầng lớp nhân dân, làm cho cuộc sống chúng ta lan tỏa nhiều điều tốt đẹp. Tấm gương ông Vũ Đình Đề, thôn 10, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông là một ví dụ điển hình.

Ông Vũ Đình Đề sinh năm 1948 tại tỉnh Thái Bình. Từ năm 1970 đến đầu năm 1992 làm công ty cầu đường khu vực Tây Bắc và Tỉnh Yên Bái. Vì lí do sức khỏe ông xin nghỉ chế độ và trở về quê hương, năm 1992 ông chuyển vào định cư tại thôn 10, xã Hòa Sơn, Huyện Krông Bông cho đến nay.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Cũng vì bản tính hay lo nghĩ cho công việc của thôn, của xã và cũng là cơ duyên, do vậy chỉ sau hai năm định cư tại thôn 10 xã Hòa Sơn, Ông Vũ Đình Đề đã được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân. Sau đó Ông được bà con nhân dân thôn 10 và lãnh đạo địa phương tin tưởng giao trọng trách đảm nhận chức vụ Bí thư Chi bộ kiêm thôn trưởng thôn 10. Thấm nhuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ của một Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nên mọi hành động, suy nghĩ, việc làm của Ông đều đem lại hiệu quả thiết thực, lợi ích cho bà con nhân dân trong thôn, trong xã.

Ông tâm sự: Ngày đầu nhận trọng trách làm Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn với nhiều khó khăn, bộn bề, bởi trước đây mình là người Nhà nước, làm theo đúng chuyên môn được đào tạo; còn việc làm bí thư, thôn trưởng là công việc khó khăn, phức tạp, áp lực, đòi hỏi phải am hiểu công tác Đảng, đồng thời phải sâu sát người dân, tìm hiểu tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội ở cơ sở gắn liền với miếng cơm, manh áo, quyền lợi của người dân.

Ông chia sẻ, thành công đầu tiên khi làm bí thư kiêm trưởng thôn 10, xã Hòa Sơn, chính là nhờ học tập và làm theo Bác Hồ bằng việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân; đó là “ Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công; đoàn kết là điểm mẹ; điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt…”; biết là vậy nhưng khi bắt tay vào làm thực tế ở thôn 10 thì hết sức khó khăn. Ông nhớ lại, năm 1994 toàn thôn 10 có tới 12 cư dân của 12 tỉnh thuộc tất cả 3 miền Bắc, Trung,Nam về cùng hội tụ sinh sống, mỗi một vùng miền có phong tục, tập quán khác nhau; trong đó tư tưởng kỳ thị vùng miền, cục bộ địa phương, gia đình, dòng họ còn rất nặng nề, lúc bấy giờ nhân dân trong thôn có sự chia rẽ rất lớn. Muốn tổ chức thực hiện một việc chung cho cả thôn là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên ông Đề quyết không nản lòng, ông trăn trở, tìm đọc, nghiên cứu các tài liệu, sách báo và tâm đắc lời dạy của Bác về công tác dân vận: “Những người làm dân vận phải óc nghĩ, tai nghe, mắt trông, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, chỉ thị, giấy tờ. Muốn làm công tác dân vận khéo thì phải thật sự yêu dân, kính dân, thương dân và hiểu dân, phải biết vận động nhân dân làm tốt những việc có lợi cho cách mạng, cho đất nước, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân”. Từ đó, Ông thay đổi cách thức vận động; từ chỗ tuyên truyền trong các cuộc họp là chính, ông lặn lội tới từng gia đình, đặc biệt là những gia đình có người cao tuổi, người có uy tín trong dòng họ để ngồi uống nước chè tâm sự chân tình, trò chuyện cởi mở, mưa dầm thấm lâu. Từ đây họ chính là những người, những hạt nhân tiên phong đi đầu trong việc vận động người thân, xóm làng xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau hơn. Sau đó Ông làm đơn xin phép địa phương và cơ quan Kiểm lâm cho phép thanh niên trong thôn lên rừng lấy gỗ, chặt tre, nứa về làm nhà cho những hộ neo đơn, hộ gia đình ốm đau, hộ gia đình nghèo có nhà dột nát…Trong khoảng thời gian ngắn tất cả mọi thành phần trong thôn, từ già, trẻ trai gái đều chung tay, giúp sức  sữa chữa xong 4 ngôi nhà lành lặn, chắc chắn. Từ đó, bà con trong thôn rất tin tưởng Ông, từ thành công bước đầu về tập hợp tinh thần đoàn kết, ông lại khéo léo vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, đó là động viên nhân dân thay đổi tập quán làm chuồng trâu, chuồng bò ngay trước nhà. Khi mới vận động, nhiều gia đình phản đối dữ lắm, vì họ cho rằng đây là tập quán của cha ông có từ xa xưa, tuy nhiên sau khi phân tích những ảnh hưởng về mĩ quan và môi trường của việc làm chuồng trâu, bò phía trước nhà, thế là các gia đình đã hiểu ra, rồi tự nguyện cùng nhau vận động con cháu di dời chuồng gia súc ra phía sau  nhà.  Năm 2005, lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn, sau khi nghe thôn trưởng thôn 2 phản ánh cả một cánh đồng bị khô cháy do thiếu nước, nguyên nhân là do ba thửa ruộng của các hộ phía trên chắn lối, Ông đã trực tiếp lội xuống đồng ruộng, gặp gỡ, thuyết phục các hộ gia đình có ruộng chắn lối; cũng với cách vận động hết sức thuyết phục, những hộ dân có ruộng chắn lối đều nhất trí ký vào biên bản cho đặt 02 ống lớn dẫn nước  để cung cấp cho cánh đồng phía dưới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông hào hứng kể niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm cán bộ của dân, đó là năm 2009, thôn 10 xã Hòa Sơn là địa phương đầu tiên của huyện có con đường giao thông nông thôn rộng rãi, khang trang do nhân dân đóng góp tiền, của, công sức và đứng ra thi công. Lúc bấy giờ nhiều lần đi thị sát ở địa bàn, Ông Đề thấy nhiều con đường ở các cụm dân cư chỉ có một lối mòn, mưa thì ngập nước, nắng thì bụi bặm, người dân đi lại hết sức khó khăn, từ đó Ông triệu tập họp chi bộ thôn, bàn thảo và ra Nghị quyết về xây dựng đường giao thông nông thôn; sau đó phân công cho từng đảng viên phụ trách từng địa bàn. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện lại gặp khó khăn, trở ngại đó là việc vận động nhân dân di dời hàng rào, chặt cây ăn trái, cây cà phê dọc hai bên đường để có mặt bằng thi công; Ông Đề lên kế hoạch tổ chức đối thoại với từng tổ dân cư, nghe Ông phân tích có lý, có tình, bà con đều đồng tình hưởng ứng, ngoài ra Ông còn vận động mổi hộ gia đình đóng góp 200.000đ, được tổng số tiền 70 triệu đồng, số tiền vận động được dùng để thuê máy móc, san ủi mặt đường. Việc thu, chi được giao cho tổ giám sát do người dân cử ra để theo dõi. Không chỉ vận động, thuyết phục người dân, Ông còn nêu gương, tiên phong đi đầu trong việc đóng góp tiền, đóng góp ngày công để làm đường và làm sân bê tông Hội trường thôn 10, với tổng cộng là 41 ngày công.

Nhờ quá trình dân vận khéo và phong cách sâu sát với thực tế, sát với cơ sở; biết dùng lời ăn, tiếng nói thấu tình, đạt lý khi đối thoại, vận động nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân để giải quyết kịp thời và thấu đáo, Ông luôn được nhân dân thôn 10 và trong xã mến yêu, thán phục. Với những thành tích, cống hiến trong quá trình công tác, năm 2012 Ông được Tỉnh ủy Đak Lak tặng Bằng khen, Đảng viên 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn (2007-2011); năm 2016, Ông tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong việc “học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn (2011-2015). Đây là vinh dự lớn cho cá nhân Ông , nhưng thiết nghĩ, phần thưởng lớn và quí giá nhất của Ông đó là tình cảm và lòng trân trọng của người dân thôn 10, xã Hòa Sơn dành cho Ông, người cán bộ của lòng dân.

                                                                                               TH

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang