Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 02/10/2023

Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội có vị trí, vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng thông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội và để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ban thường vụ Huyện uỷ Krông Bông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/06/2023 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về việc “Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”;  Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp uỷ đảng trên địa bàn huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách một cách sâu rộng hơn, tạo sự lan toả mạnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Đến nay nguồn vốn tín dụng CSXH được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai cho vay đến 100% xã, thị trấn với trên 62.780 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần giúp cho trên 20.000 hộ cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, trong đó có trên 15.000 hộ nghèo đã thoát nghèo. Thông qua việc vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo việc làm mới cho trên 2.256 lao động, 5.245 học sinh, sinh viên vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; có 23.104 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, cải tạo, nâng cấp; hỗ trợ 1.956 hộ nghèo làm nhà ở; đến cuối năm 2021 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện còn 32,64%. Thông qua nguồn vốn tính dụng chính sách đã giúp người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo. Các chương trình tín dụng chính sách đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS; lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện khẳng định: Trong các chính sách xã hội, tín dụng chính sách là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Chính sách tín dụng đặc thù này đã góp phần tạo dựng niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với nhóm người dễ bị tổn thương; tăng cường tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của người thụ hưởng chính sách.

Ái Phương

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang