Thứ tư, ngày 15 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 11/06/2024

Mô hình thanh niên vùng sâu khởi nghiệp từ nghề đúc tượng thạch cao

 

         Rời ghế nhà trường, cũng như bao thanh niên khác ở vùng quê nghèo Krông Bông, Anh Châu Quang Tiến 30 tuổi, ở thôn 3 xã Dang Kang, ở nhà giúp gia đình công việc đồng áng, hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”  nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn.

          Sau khi lập gia đình, anh Tiến cùng vợ lên thành phố Buôn Ma Thuột thuê mặt bằng kinh doanh ăn uống... công việc làm ăn đang thuận lợi thì dịch Covid 19 bùng phát, quán xá ế ẩm vợ chồng anh phải dìu dắt nhau về lại nhà bố mẹ ở xã Dang Kang tính kế mưu sinh.

          Qua tìm hiểu thị hiếu của những người chung quanh, anh nhận thấy  nhiều trẻ em kể cả người lớn rất thích hoạt động tô tượng thạch cao…Tuy nhiên, muốn đáp ứng nhu cầu tô tượng cho mọi người, chủ của các điểm vui chơi, giải trí phải nhập tượng từ nơi khác về với giá thành cao, hơn nữa ở huyện nhà cũng chưa có ai hành nghề đúc tượng thạch cao.

          Nghĩ là làm, cuối năm 2023, anh quyết tâm vào Thành phố Hồ Chí Minh học nghề đúc tượng thạch cao. Khi tay nghề thành thạo, anh trở về địa phương mở xưởng hành nghề…

          Anh Tiến cho biết:  Muốn làm ra một tượng thạch cao trắng, mịn đạt chất lượng, hấp dẫn người tô tượng thì phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc pha bột thạch cao với nước tỷ lệ phù hợp, tạo khuôn hình dáng tượng cho đến màu tô, trong đó khâu pha bột là quan trọng…Để tránh tình trạng sản phẩm bị lồi lõm, không mịn, nổi bọt khí, thì sau khi cho bột thạch cao vào khuôn, người làm phải lắc đều tay để nguyên liệu chảy đến những chi tiết nhỏ nhất, sau khi hoàn thành các công đoạn chờ cho tượng cứng, bắt đầu gỡ khuôn, gỡ khuôn là công đoạn khó của đúc tượng, đòi hỏi phải tỷ mỉ, khéo léo để tượng không bị nứt, gãy những chi tiết nhỏ, cuối cùng là cắt gọt cho hoàn thiện sản phẩm.

         Vì đối tượng chủ yếu là thiếu nhi và người trẻ tuổi nên thường xuyên phải có nhiều mẫu mã mới, nên anh Tiến học cách làm ra khuôn tượng Silicon, chủ động tạo ra nhiều khuôn mẫu lạ mắt đang được nhiều người ưa thích, đến nay xưởng đúc tượng Thạch cao của anh Tiến đã có hàng chục mẫu tượng với hình dáng, kích thước khác nhau, đáp ứng nhu cầu cho mọi lứa tuổi.

          Mỗi ngày, xưởng đúc tượng Thạch cao của anh Tiến cho ra 300 sản phẩm gồm những tượng hình con thú, những nhân vật trong phim hoạt hình và những bức tranh phong cảnh… tùy theo mẫu mã, kích thước mà giá cả khác nhau như size nhỏ  từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng, size trung bình từ 20.000 đồng đến 35.000 đồng, size lớn từ 100.000 đồng trở lên.

       Thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí nguyên liệu và chi phí nhân công, anh còn thu lãi được 20 triệu đồng/tháng. 

      Anh cũng đã đào tạo thành thạo nghề cho 5 người dân ở địa phương và nhận vào làm việc ở xưởng với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

          Tuy mới thành lập được 4 tháng, nhưng sản phẩm của gia đình anh Tiến đã có mặt hầu hết các điểm vui chơi, quầy văn hóa phẩm các huyện trong tỉnh và đưa sản phẩm đến thị trường các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… ngoài ra, anh còn lập trang Facebook bán hàng online. Trong tương lai, anh Tiến mong muốn tạo ra được nhiều mẫu mã mang dấu ấn của địa phương Đăk Lăk, để khách du lịch có thể mua về làm quà tặng cho người thân./.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang