Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 22/07/2019

Mô hình phát triển kinh tế VAC của một thương binh

Đến thăm trang trại rộng trên 2 ha, với mô hình đa cây, đa con của 1 Thương binh hạng 4/4, hiện ở thôn 10 xã Hòa Lễ (Krông Bông), mọi người ai cũng thán phục trước sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế VAC, cho thu nhập ổn định mỗi năm ba trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí, là một trong những tấm gương “thương binh tàn nhưng không phế” ở địa phương.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất chiêm trũng Hà Nam, tháng 7 năm 1977 người thanh niên Nguyễn Đắc Hòa khi ấy vừa tròn 18 tuổi, lên đường nhập ngũ thuộc Sư 10, Quân đoàn III, trực tiếp tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia khỏi họa diệt chủng. Tháng 5/1978, trong một trận chiến đấu tại cao điểm 23, ông bị thương phải nằm viện điều trị và đến tháng 11/1980 sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông xuất ngũ trở về địa phương.

Trang trại nuôi heo của 

Gần bảy năm mưu sinh ở chốn quê nhà, nhưng do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất và thiếu lao động, nên cuộc sống cũng chỉ “đắp đỗi qua ngày”. Tháng 7 năm 1987 ông quyết định đăng ký đi xây dựng Kinh tế mới tại thôn 10 xã Hòa Lễ, những ngày đầu đến lập nghiệp trên vùng đất mới, gia đình ông không tránh khỏi những khó khăn, thiếu thốn, gia đình vốn ít lao động nay vợ ông lại phải ở nhà chăm sóc đứa con bị khuyết tật bẩm sinh, công sức khai phá bấy lâu đành sang nhượng lại cho người khác, để rồi “vợ, chồng, con cái” dắt nhau tha phương tìm kế sinh nhai ở nơi khác, số tài sản bán được mang theo ngày càng cạn dần, mà cuộc sống cũng không khá lên được.

Không chịu mang tiếng với người đời là kẻ “đứng núi này trông núi nọ”, thương binh Nguyễn Đắc Hòa đưa gia đình trở lại vùng kinh tế mới Hòa Lễ. Ông quyết định dùng số vốn còn lại ít ỏi và vay mượn thêm của bà con xóm giềng, khai hoang diện tích để trồng 1 ha cà phê và 2 sào ruộng, đồng thời mở một quán ăn để có thu nhập hàng ngày.

Ông Hòa chia sẻ: Làm nông nghiệp mà chỉ độc canh cây lương thực, thực phẩm thì cũng chỉ đủ ăn, may mắn lắm nếu có dư giả chút ít thì cũng chẳng đáng là bao. Vì thế, ông mạnh dạn vay mượn đầu tư chăn nuôi bò, heo, gà…mục tiêu ban đầu là chỉ nuôi nhỏ lẻ tích lũy kinh nghiệm và có nguồn vốn đầu tư tiếp…Để đàn gia súc phát triển tốt, không mắc bệnh, thông qua các phương tiện báo, đài ông tích cực học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật và cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhờ vậy mà giảm được chi phí đầu vào.

Đất không phụ công người, sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, số vốn tích lũy được kha khá, năm 2015 ông thế chấp tài sản vay thêm vốn Ngân hàng nông nghiệp, quyết định đầu tư trên 1 tỷ 500 triệu đồng, để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu là phát triển kinh tế trang trại VAC với nhiều loại cây, con. Hiện nay, gia đình ông có 6 con bò, trong đó có 4 con bò cái sinh sản, ông xây dựng chuồng trại kiên cố và  luôn có trên 100 con heo, trong đó có 20 heo nái, số heo sinh sản ra ông đều giữ lại nuôi. Mỗi năm xuất chuồng 2 lứa được 12 tấn heo hơi, với giá bán trung bình cho thu nhập 400 triệu đồng. Để duy trì thường xuyên đàn gà trên 200 con, ông chủ động đầu tư một máy ấp trứng để trực tiếp cung cấp gà giống cho trang trại của mình, mỗi lứa bán hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, còn có hai chục con gà Đông tảo, gà Kỳ lân, trị giá rừ 1, 5 triệu đến 5 triệu đồng một cặp. Với 2.000 m2 ao cá trôi, trắm, mè… cũng cho một nguồn thu đáng kể. Đầu năm 2019, sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi nhuận kinh tế đối với loại Dúi, ông đã vào tận Hóc Môn mua 40 con dúi bố, mẹ về nuôi và đang phát triển tốt. Theo tính toán, mỗi năm đàn dúi sinh sản khoảng 100 con, với giá bán dao động từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/ kg, thì 8 tháng sau gia đình ông có thêm nguồn thu gần 50 triệu đồng.

Về trồng trọt, với 1 ha cà phê kinh doanh, mỗi năm thu được 3 tấn nhân, với giá bán hiện tại cũng cho thu nhập 100 triệu đồng… ngoài ra ông còn 1 ha cà phê thời kỳ kiến thiết, trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, xoài, sabuchê hứa hẹn mang về một nguồn thu không nhỏ…

Ông Trần Văn Minh Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn 10 cho biết: Ông Nguyễn Đắc Hòa không chỉ là một thương binh làm kinh tế giỏi, mà còn là hội viên Cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội như thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới, là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất và làm giàu để mọi người học tập./.

                                                                        Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang