Lao động nông thôn đi làm ăn xa, cơ hội và thách thức
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều lao động các độ tuổi khác nhau ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa rời gia đình đến các địa phương ngoài tỉnh tìm kế sinh nhai, phần lớn họ là lao động thủ công, cơ hội và thách thức đan xen đang là vấn đề quan tâm.
Theo thống kê, xã Hòa Phong có trên 230 lao động đi làm ăn xa ở các tỉnh khác, nơi họ đến phần lớn ở Đà Nẵng – Quảng Nam; Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh…công việc chủ yếu là xây dựng dân dụng, may mặc, điện tử…
Ông Bùi Văn Tư dân tộc Mường ở Buôn Ngô A (Hòa Phong) phấn khởi chia sẻ: Trước đây, lúc còn ở nhà vào thời gian nông nhàn, ông thường đi phụ hồ để có thu nhập, nhờ chịu khó học hỏi nên sau hơn 8 năm hành nghề, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm và có thể xây dựng thành thạo các công trình đơn giản. Tuy nhiên, để sống được bằng nghề xây dựng ở nông thôn quả không dễ chút nào, bởi vậy sau tết nguyên đán 2019 ông bàn bạc với vợ, quyết định ra Đà Nẵng làm nghề phù hợp với năng lực của mình. Với mức lương 400.000 đồng/ngày đối với thợ chính và 310.000 đồng/ ngày đối với thợ phụ. Trung bình sau khi trừ chi phí ăn uống, thuê nhà trọ, ông vẫn tích lũy gửi về cho gia đình được 5 triệu đồng/tháng để vợ nuôi con cái và chăm sóc 5 sào cà phê.
Kém may mắn hơn một số hộ nghèo trong thôn, anh Vũ Thành Quy 28 tuổi, ở thôn 5, xã Hòa Phong có hoàn cảnh khá đặc biệt, cha thường xuyên đau ốm suy giảm khả năng lao động, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, mẹ phải đi làm ăn nơi khác. Sau khi trưởng thành, anh đi làm phụ hồ ở địa phương, nhưng rồi “cái nghèo cứ mãi đeo đẳng”, cách đây ba năm khi tay nghề đã vững, anh quyết định “ly hương” khi thì ở thành phố Hồ Chí Minh, khi thì ra Đà Nẵng theo đuổi ngành nghề đã chọn.
Anh Vũ Thành Quý trong căn nhà mới mua
Anh Vũ Thành Quy cho biết: Anh thấu hiểu nỗi khổ của cảnh nhà “thiếu trước, hụt sau”, thương cha, thương em nên anh chưa muốn lập gia đình, số tiền làm được anh chi tiêu tằn tiện, mỗi tháng ngoài số tiền gửi về nuôi chu cấp cho cha, anh còn dành dụm được 5.000.000 đồng. Với số tiền tích lũy, anh vừa mua lại được một ngôi nhà xây cấp 4 ở địa phương, trị giá 150.000.000 đồng. Tết năm nay gia đình anh đã có nơi ở mới khang trang và cuộc sống đang dần thay đổi.
Còn ở buôn Cư Phiăng (Hòa Phong), hầu hết những người trung niên, cao tuổi vẫn bám trụ ở tại nhà lo công việc đồng áng, những thanh niên khỏe mạnh đều đi làm công nhân ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh…
Ông Ama Sai là cha anh Y Thi Byă 18 tuổi, dân tộc Ê Đê ở buôn Cư Phiăng, xã Hòa Phong cho biết: Bản thân ông bị bệnh nặng, mỗi năm phải đi điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh từ ba đến bốn tháng, việc chăm sóc 7 sào cà phê và 3 sào ruộng nhiều khi chỉ có một mình vợ lo. Đầu năm 2019, con ông là Y Thi Byă quyết định theo vợ chồng người anh vào thành phố Hồ Chí Minh làm công cho một xưởng gỗ ở Củ Chi, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng, sau 8 tháng siêng năng làm việc, số tiền tiết kiệm Y Thi gửi về cho ông được 31.000.000 đồng, với số tiền đó ngoài phần chi phí thuốc men, ông còn mua được một dàn máy công nông để làm phương tiện tưới cà phê và làm đất…
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người lao động đi làm ăn xa bị “thiệt đơn, thiệt kép” như: Anh Y Sơn Ding, Y Kim Ding ở Buôn Ngô A làm cho một Doanh nghiệp tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, do không có ký kết hợp đồng lao động, không được chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, hàng năm đều bị giữ lại một tháng lương, tiền thưởng tết không có, hay trường hợp của H Thảo Êung ở Buôn Ngô A tuy có ký kết hợp đồng lao động với một Công ty điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì muốn giữ lại lao động nên chị cũng bị công ty giữ lại ½ tháng lương và toàn bộ tiền thưởng tết, sau ba ngày tết lại phải vội vã khăn gói trở vào làm việc…
Một lao động khác (xin được giấu tên) ở thôn 6, xã Hòa Phong, đi làm nghề xây dựng ở Đà Nẵng, nhưng vốn là người ăn tiêu phung phí, thu nhập không đủ chi phí cho bản thân, thậm chí ngày tết về nhà không có đủ tiền mua vé xe phải vay mượn đồng nghiệp …
Việc lao động nông thôn ào ạt đi làm ăn xa không theo kế hoạch cũng gây ra nhiều hệ lụy. Ông Huỳnh Viết Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phong trăn trở: Hiện nay phần lớn số thanh niên khỏe mạnh đều đi làm ăn xa, số lao động còn lại chủ yếu là những người cao tuổi và trẻ em, bên cạnh việc có thêm nguồn thu nhập giúp gia đình, thì việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương gặp không ít khó khăn, giữa tỷ lệ cơ cấu lao động với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã đang dần mất cân đối (lao động thay thế tuy tăng lên nhưng tỷ lệ cơ cấu kinh tế nông nghiệp không giảm), một số phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao không có người tham gia…Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có địa chỉ rõ ràng, thông qua môi giới lén lút vào các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tuyển dụng chui, họ bất chấp các quy định của nhà nước tuyển dụng cả trẻ em đang học phổ thông, dẫn đến tỷ lệ trẻ em bỏ học giữa chừng gia tăng, địa phương phải phối hợp với các ngành chức năng truy tìm địa chỉ, vận động gia đình kêu gọi trở về…
Để ổn định nguồn lao động, với phương châm “ly nông bất ly hương” thiết nghĩ các địa phương cần tăng cường việc phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn để người lao động tự tạo việc làm, gắn việc liên kết với những Công ty, Doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh, thành lập các phân xưởng đối với một số ngành nghề phù hợp với trình độ tay nghề ở địa phương để người lao động có cơ hội vào làm vừa có thu nhập cải thiện đời sống vừa tránh những rủi ro không đáng có./.
Mai Viết Tăng