Kỷ niệm lần đầu tiên viết báo
Mặc dù là người viết báo không chuyên, không được đào tạo bài bản, nhưng những ngày học phổ thông, có một chút năng khiếu về văn chương, tôi đã chọn ban C (năm 1972) và ước mơ sau này trở thành nhà báo. Thế nhưng, ước mơ của tôi đành dang dở, cuối năm 1976 gia đình tôi đi kinh tế mới tại huyện vùng sâu H9- Krông Bông, nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” khiến cho ước mơ đó cũng vụt tắt theo…
Năm 1995, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng H9-Krông Bông, Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện phát động cuộc thi viết về Vùng đất con người H9, với lợi thế có những năm công tác ở Ban Thi đua-Khen thưởng, tôi được đi đến hầu hết các xã trong huyện, đặc biệt là các xã căn cứ, thu thập được nhiều tư liệu quý giá và gặp được nhiều nhân chứng sống, nên tôi mạnh dạn viết bài dự thi. Qua cuộc thi, bài viết của tôi đạt giải nhất, như được tiếp thêm động lực, đi đến đâu, gặp bất cứ hình ảnh nào, trong đầu tôi cũng lóe lên ý tưởng cho một bài báo.
Một hôm trên đường từ huyện về ngang qua đoạn Hố Kè xã Hòa Lễ nhìn thấy những chiếc xe Bò ma, vận chuyển gỗ, cày xới nát con đường, muốn vượt qua đoạn đường này, người thì tay cầm dép “từng bước chân âm thầm” nhích từng bước qua các hố lầy, người thì vác xe đạp trên vai… trước cảnh tượng đó, tôi có ý định phải viết một bài với tựa đề “Nỗi đau một con đường” gửi Tòa soạn Báo Đăk Lăk, có được tít bài, đêm về dưới ngọn đèn dầu le lói, tôi ngồi vào bàn miệt mài viết, ngày ấy máy tính chưa có, tin bài đều viết tay, viết rồi sửa, sửa đi sửa lại ba, bốn lần, nhất là đặt tít cho bài báo, khi hoàn chỉnh tôi ra bưu điện gửi bài…
Ngày đó, Báo Đăk Lăk mỗi tuần xuất bản 3 số báo in vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật, nên tôi thấp thỏm ngóng mong từng ngày, hy vọng bài viết được đăng…Với nội dung của một đề tài “nóng” bài gửi đi được ba ngày thì may mắn được Ban biên tập chọn đăng, bài báo vừa phát hành đã mang lại hiệu ứng tích cực, nhiều cán bộ huyện, trong đó có cả cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, cầm bài báo mới phát hành gặp tôi tán dương, cảm giác của tôi lúc đó sung sướng đến tột cùng, pha lẫn một chút hãnh diện (thật ra ngày ấy đội ngũ phóng viên và cộng tác viên của Báo còn mỏng, báo điện tử chưa ra đời, nên khi có bài viết về huyện nhà mọi người thường tìm để đọc).
Với niềm đam mê, muốn đem đến cho độc giả những thông tin chính xác, kịp thời, mang đậm hơi thở cuộc sống tại cơ sở, sau bài đăng đầu tiên, đều đặn tuần nào những “đứa con tinh thần” của tôi cũng được xuất hiện trên các trang báo, như một nghề tay trái, những lúc rảnh rỗi tôi lại đạp xe vào những buôn, làng tìm thông tin viết bài…Hàng tháng, Tòa soạn đều gửi định hướng cho cộng tác viên để viết bài đúng nội dung yêu cầu, nhờ vậy mà cộng tác viên ít “khát’ đề tài.
Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, với một đội ngũ phóng viên hùng hậu, được đào tạo chuyên môn bài bản và có kỹ năng làm báo, góp phần đưa tờ báo của tỉnh nhà phong phú, đa dạng, không chỉ Báo in mà còn có cả Báo điện tử và Nguyệt san. Đặc biệt, để các cộng tác viên thường xuyên có bài đăng chất lượng, kịp thời, Tòa soạn đã đưa phần mềm hệ thống quản lý để tiếp nhận bài viết của cộng tác viên, những bài được chọn đăng hoặc những bài chưa đạt yêu cầu được Ban biên tập ghi chú phản hồi để cộng tác viên bổ sung, giúp cho các cộng tác viên rút ra những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.
Đến nay, đã có gần 30 năm là cộng tác viên của báo Đăk Lăk, tôi đã đi đến khá nhiều địa phương, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ, vì gặp được nhiều nhân chứng đã gắn bó cả đời mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ mảnh đất thân yêu trên mọi miền tổ quốc, từ những tấm gương phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa cho đến việc chung tay bảo tồn văn hóa, hàng trăm tin bài được đăng, mỗi mảng đề tài là một dấu ấn khó quên, những lần đi cơ sở đã giúp tôi tích lũy thêm nhiều vốn sống, kinh nghiệm, cả những trăn trở về một sự việc nào đó mà người dân quan tâm. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm 2024 này, những kỷ niệm đó lại ùa về trong tôi như một kỷ niệm đẹp về nghề làm báo./.