Thứ năm, ngày 16 tháng 01 năm 2025
Cập nhật lúc: 25/02/2019

Kỷ niệm 44 năm giải phóng Buôn Ma Thuột 10/3/1975 – 10/3/2019: Bước chân người lính

 8 tuổi quân không phải là thời gian quá dài đối với một người lính, song những dấu ấn về một thời trận mạc đánh vào Buôn Ma Thuột mở đầu cho chiến dịch xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng như tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc mà ông Lê Quốc Đạt, sinh năm 1952 hiện đang cư trú tại thôn 8 xã Hòa Lễ (Krông Bông – Daklak) đã đi qua thật đáng trân trọng.

Sinh ra trên mảnh đất “hùng thiêng” Thanh Hóa, tháng 10/ 1974 nghe theo tiếng gọi của tổ quốc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, ông Lê Quốc Đạt lúc đó đang công tác tại Đoàn Công trường Khe Tuần (Thanh Hóa), đã xung phong tòng quân nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu, được biên chế vào Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn148, Sư đoàn 316 ( còn gọi là Sư đoàn Bông Lau).

Ông Lê Quốc Đạt nhớ lại: Sau những ngày vượt đường Trường Sơn, đơn vị của ông cũng đã đặt chân đến vùng suối Dak Đam ( Dăklăk), vừa đến nơi chưa kịp nghỉ ngơi ông cùng đồng đội lại phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới, theo sự phân công của cấp trên, ông cùng các chiến sỹ Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 phải luồn sâu vào vùng địch kiểm soát trinh sát thực địa, vẽ sơ đồ địa hình để lập La bàn chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến, đây là một nhiệm vụ khá nặng nề đối với những người lính từ miền Bắc mới chuyển vào lại chưa thông thạo địa bàn. Vì thế, để tránh địch phát hiện, ban ngày các chiến sỹ phải cải trang thành người dân đi làm nương rẫy hoặc buôn bán, mỗi khi đi qua nơi địch đóng quân phải quan sát thật kỹ và nhớ rõ từng chi tiết, để ban đêm về thực hiện vẽ sơ đồ trên giấy. Với bản lĩnh của người lính cụ Hồ “ Khó khăn nào cũng vượt qua…”, sau 10 ngày băng rừng, lội suối, có những lúc phải nhịn đói qua trưa, nhưng ông cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng thời gian quy định.

Ông Lê Quốc Đạt chia sẻ về thời quân ngũ

 Để chuẩn bị thời cơ giải phóng Tây Nguyên, trước Tết Nguyên Đán 1975 đơn vị của ông được lệnh chuyển quân từ Đăk Đam về Buôn Ma Thuột và đặt Sở Chỉ huy tiền phương ở núi Cư Êbua, riêng đơn vị của ông được giao ém quân tại nghĩa trang Buôn Ma Thuột sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.

Trong chiến dịch xuân 1975, Trung đoàn 148  là đơn vị được Bộ Tư Lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng đánh mở màn vào khu kho Mai Hắc Đế nằm ở hướng tây Buôn Ma Thuột. Sau khi nhận được lệnh, vào lúc 11 giờ đêm ngày 09/3/1975 đơn vị Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 của ông hành quân áp sát mục tiêu rồi dùng B40 và B41 phá hàng rào để tấn công địch theo hướng cổng chính, tuy nhiên địch đóng chốt ở 2 lô cốt phòng thủ, liên tục dùng hỏa lực chống cự. Vì thế,  để tránh tổn thất, cấp trên đã bố trí cho mũi tấn công của đơn vị ông 3 chiếc xe tăng đi trước mở đường, nhờ vậy mà bộ đội ta nhanh chóng tiếp cận mục tiêu chiến đấu, sau 1 thời gian giao tranh ác liệt đến khoảng 9 giờ sáng ngày 10/3/1975 đơn vị của ông đã làm chủ hoàn toàn khu kho Mai Hắc Đế và bàn giao cho bộ đội địa phương tiếp quản, tiếp tục củng cố lực lượng tổ chức  đánh và chiếm lĩnh Bộ tư lệnh Sư đoàn Bộ binh số 23 của địch.

Là 1 đơn vị bộ đội chủ lực, cho nên từ sau ngày giải phóng Buôn Ma thuột và toàn tỉnh Daklak cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất tổ quốc, bước chân của ông Đạt đã đi qua nhiều chiến trường và ghi thêm những chiến công hiển hách như Rồng Tượng, Trảng Bàng (Tây Ninh) Bến Cát ( Bình Dương) Củ Chi, Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Tháng 10/ 1976, Trung đoàn 148 được lệnh chuyển quân về Hoàng Liên Sơn, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra ngày 17/2/1979, một lần nữa tiếng kèn xung trận “đâu có giặc là ta cứ đi” đã thôi thúc bước chân người lính, những địa danh Lào Cai, Lai Châu, Sa Pa không nơi nào thiếu dấu chân ông Đạt và đồng đội.

Từ một chiến sỹ ông Đạt đã trưởng thành qua từng trận đánh, được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1978, trong chiến tranh biên giới các tỉnh phía Bắc, ông tiếp tục lập thành tích xuất sắc được tặng thưởng Huân Chương Chiến Công hạng 3 và danh hiệu Chiến sỹ xuất sắc, ông được đơn vị cử đi báo cáo điển hình tại một số cơ quan, nông trường mà nơi đơn vị đóng quân. Rồi cũng chính từ những buổi xuống cơ sở đó, ông Đạt quen biết với một người nữ Công nhân quốc phòng Trần thị Huân công tác ở Nông trường Than Uyên ( Lai Châu) và mối tình đó đã bén duyên họ nên nghĩa vợ chồng, tháng 3/1982 ông xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường với quân hàm Thiếu úy, chức vụ Đại đội phó.

Vốn quê ông ở Tỉnh Gia - Thanh Hóa là một vùng đất khó, nên sau một thời gian về lại địa phương sinh sống, lần lượt những đứa con chào đời, cảnh nhà trở nên “thiếu trước, hụt sau” không cho phép người lính khoanh tay đứng nhìn. Sau những trăn trở, ông bàn với vợ quyết định đi xây dựng Kinh tế mới tự túc vào thôn 8, xã Hòa lễ, Krông Bông (Dăklăk). Những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới với hai bàn tay trắng, các con ông thì còn đang ở cái tuổi “ ăn chưa no, lo chưa tới”  hàng ngày vợ chồng ông phải vào rừng kiếm tranh, tre, lá nứa về che ngôi nhà ở tạm, vừa phải khai hoang đất để đưa vào sản xuất kịp thời vụ, gia đình ông không tránh khỏi bao khó khăn chồng chất.  Thế nhưng ý chí, nghị lực của một người lính đã được tôi luyện trong chiến đấu đã giúp cho ông Lê Quốc Đạt sớm vượt qua, ổn định cuộc sống, 04 đứa con của ông đều được ăn học đến nơi, đến chốn, trưởng thành có công việc ổn định, noi gương cha tất cả 4 người con của ông đều trở thành Đảng viên, gia đình ông cũng đã xây dựng được nhà cửa khang trang có cuộc sống sung túc. 

Năm 1999 đến năm 2012 ông được tín nhiệm bầu vào BCH Đảng bộ xã Hòa Lễ, sau 14 năm giữ chức vụ Chủ tịch UBMTTQVN xã, ngày về nghỉ hưu theo chế độ ông vẫn được đảng viên tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn cho đến nay. Dù bất cứ trên cương vị công tác nào, ông Lê Quốc Đạt luôn gần gũi vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, gương mẫu đi  đầu trong các phong trào thi đua yêu nước được mọi người mến phục.

Ông đã được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” nhiều Huân, huy chương và Bằng khen các cấp. Nhân dịp lễ Quốc Khánh 2018, ông được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng./.

                                                                                Mai Viết Tăng

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang