Khơi thông sức dân để nâng cao thu nhập, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn
Với mức thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/ năm, nhân dân tích cực đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở, trong sản xuất đã kết hợp hài hòa giữa trồng trọt với chăn nuôi, đó là kết quả của việc khơi thông sức dân ở thôn 9 (Hòa Lễ).
Thôn 9 xã Hòa Lễ hiện có 60 hộ, 240 khẩu, là một trong những thôn làm tốt việc khơi thông được sức dân để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thức rõ công cuộc xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, do đó việc huy động nguồn lực từ nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới là yêu cầu được Ban tự quản thôn 9 (Hòa Lễ) đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trong những năm qua, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mà mỗi khi Ban tự quản Thôn có chủ trương xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh đều được 100% hộ dân hăng hái tham gia.
Chiếc phà trị giá 50 triệu đồng do nhân dân đóng góp để đi lại phục vụ sản xuất
Thôn hiện có trên 130 ha đất canh tác, chủ yếu nằm ở bên kia sông Krông Bông thuộc khu vực Thôn 7 xã Vụ Bổn, do việc đi lại sản xuất gặp nhiều khó khăn, năm 2014 bà con thôn 9 đã tự đóng góp 46 triệu đồng để làm cầu trụ sắt, mặt lót ván gỗ tạo điều kiện thuận tiện cho bà con đi lại vận chuyển sản phẩm. Tuy nhiên, cây cầu tạm do nhân dân tự làm nằm ở vị trí dòng chảy, nên mỗi mùa mưa lũ cầu bị cuốn trôi phải sửa chữa lại tốn kém.
Đầu năm 2020, Chi bộ và Ban Tự quản thôn 9 (Hòa Lễ) đã họp dân bàn bạc và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp 100 triệu đồng để làm trên 40 mét đường bê tông nối liền tỉnh lộ 12 (đoạn km 26 + 600 ) dẫn xuống bến phà và mua một chiếc phà bằng sắt thay cho chiếc cầu tạm bấp bênh, để đảm bảo cho phương tiện và người khi qua lại trên sông, bà con đã tận dụng dây thép của cầu cũ được làm cố định ở hai đầu sông để tự kéo phà qua lại khi có nhu cầu, mà không phải tốn công cử người kéo phà đưa đón.
Trong việc huy động sức dân đóng góp xây dựng thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn cũng được đông đảo người dân tham gia… Ông Võ Trung Trưởng thôn 9 cho biết: “ Do quy mô dân số ít nên việc huy động sự đóng góp của người dân thường cao hơn nhiều so với thôn khác, nhưng bà con trong thôn luôn nhận thức rằng việc chung của thôn chính là việc riêng của gia đình, nên không tính toán thiệt hơn, chỉ tính việc đóng góp làm cầu, đường và các thiết chế văn hóa, bình quân mỗi hộ đã đóng góp 5 triệu đồng… đây là nguồn đóng góp không nhỏ đối với một thôn thuần nông.
Ngoài ra, đây là một thôn thuần nông, để tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập, Chi bộ và Ban tự quản thôn đã chọn phát triển chăn nuôi trâu, bò gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm khâu đột phá, trong năm qua đàn trâu, bò đã tăng trên 100 con, điển hình như gia đình bà Phạm Thị Thu Hằng có quy mô đàn 23 con trâu, bò. Về trồng trọt, bà con trong thôn chủ động chuyển đổi 50 ha đất triền đồi dốc sang trồng cây điều và chuyển đổi 35 ha đất đủ điều kiện tưới tiêu sang trồng cây cà phê (tăng 35 ha cà phê so với 2015) nhờ vậy đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều gia đình có thu nhập 150 triệu đồng từ cây điều. Nhân dân trong thôn luôn đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, đến nay đời sống của hầu hết các gia đình đã được cải thiện đáng kể, nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sản xuất và sinh hoạt có giá trị…
Tổng giá trị sản xuất năm 2019 ước đạt trên 12 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt trên 50.000.000 đồng/năm, cao hơn 9 triệu đồng/ người so với tiêu chí thu nhập xã nông thôn mới; hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 13 % (chủ yếu là những hộ cao tuổi và đau ốm); 90% gia đình có nhà xây kiên cố, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, số học sinh thi đỗ Đại học, cao đẳng hoặc xét tuyển trung cấp chuyên nghiệp mỗi năm đều tăng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xã hội từ thiện được nhân dân hưởng ứng, thôn có một đội bóng chuyền nữ thường xuyên tập luyện, tham gia thi đấu đã tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh…
Mặc dù, thu nhập đầu người tăng gấp trên 3 lần so với 2014, nhưng vẫn là một thôn thuần nông, việc chuyển dịch lao động sang những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác còn chậm, song những gì mà cán bộ và người dân thôn 9 xã Hòa Lễ đạt được, sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của thôn vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh ./.
Mai Viết Tăng